Xã hội
Quảng Trị truy thưởng 254,1 triệu đồng cho 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Vĩnh Linh
03:49 PM 25/07/2019
(LĐXH)- Ngày 24/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đã ký Quyết định số 1882/QĐ-UBND về việc truy thưởng tiền danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Vĩnh Linh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Theo đó, 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Vĩnh Linh được truy thưởng tiền danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” gồm các mẹ: Trần Thị Ngò, Nguyễn Thị Phang, Thái Thị Lành (xã Vĩnh Trung); Nguyễn Thị Dỹ, Dương Thị Ái (xã Vĩnh Kim); Nguyễn Thị Lách, Lê Thị Huệ (xã Vĩnh Hiền); Dương Thị Thiu (xã Vĩnh Tú); Hồ Thị Chuột (xã Vĩnh Thái); Nguyễn Thị Nậy (xã Vĩnh Chấp); Nguyễn Thị Ngắn (xã Vĩnh Nam).
Mỗi Bà mẹ Việt Nam anh hùng được truy thưởng số tiền 23,1 triệu đồng. Số tiền truy thưởng được trao cho thân nhân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Qua đó thể hiện sự ghi nhận, tri ân sâu sắc đối với những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở Lao động - TBXH Quảng Trị thăm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn
Được biết, toàn Vĩnh Linh hiện có 684 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 8 mẹ đang còn sống. Ngoài ra, huyện còn có 8.704 liệt sĩ là con em của Vĩnh Linh và của 41 tỉnh, thành phố trong cả nước đang yên nghỉ tại 12 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn; 574 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 3.359 thương, bệnh binh; 5.271 liệt sỹ, 834 người bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài ra, Vĩnh Linh còn có 43 tập thể, 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 27.218 người hoạt động kháng chiến được hưởng trợ cấp 1 lần...
Những năm qua, mặc dù kinh tế - xã hội của huyện còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh và bão lũ thường xuyên xảy ra, nhưng với truyền thống truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Vĩnh Linh đã tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với người có công, đã tạo được sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm và tham gia của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện. Cụ thể, cùng với việc thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ của Nhà nước, hàng năm 100% người dân đóng góp đầy đủ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; các mẹ Việt nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến hết đời; các đối tượng chính sách là người có công khi gặp hoàn cảnh rủi ro, ốm đau đều được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể thăm hỏi động viên; gần 100% đối tượng chính sách, người có công gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây và sửa chữa nhà ở. Tính trung bình mỗi năm, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cấp huyện vận động đóng góp từ 500 – 550 triệu đồng/năm, cấp xã, thị trấn từ 450 - 500 triệu đồng.
Đặc biệt, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” luôn được Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh nhận thức một cách đầy đủ, xem đây là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương. Cấp ủy chính quyền các cấp triển khai đầy đủ các chính sách người có công, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong đó có phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn", tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Đến nay, 100% xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh – liệt sỹ và người có công, 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn trung bình của người dân nơi cư trú.
Tính đến nay, toàn huyện đã xây dựng 1.530 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 2.500 nhà ở cho đối tượng chính sách; thăm hỏi và tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho hàng ngàn lượt đối tượng người có công với cách mạng trong các dịp lễ, tết, ngày Thương binh – Liệt sỹ… Riêng việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Linh đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng thêm 620 nhà và sửa chữa 2.965 nhà cho đối tượng chính sách người có công với tổng số tiền 84,1 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Vĩnh Linh sẽ tập trung quán triệt đầy đủ Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chính sách về công tác thương binh – liệt sỹ và người có công; Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam anh hùng, Nghị định số 31 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng và một số văn bản mới về thực hiện chế độ chính sách. Tập trung chỉ đạo giải quyết các loại hồ sơ có công còn tồn đọng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg (giai đoạn 2)…
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc lòng biết ơn, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng; không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo sức lan tỏa sâu rộng và đều khắp. Đồng thời, động viên các gia đình chính sách, người có công phát huy truyền thống, xây dựng “gia đình cách mạng gương mẫu, người có công là công dân kiểu mẫu” để tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương Vĩnh Linh giàu đẹp.

Chí Tâm

Từ khóa: