Lao động
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái: Quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động
12:15 PM 10/08/2023
(LĐXH) Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo việc chấp hành, thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Từ năm 2019 đến tháng 5/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tổ chức được 22 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm cho 1.828 người lao động và người sử dụng lao động của 751 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh.
Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan thành viên của Hội đồng tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình tổ chức Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động hằng năm, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động ở Yên Bái
Sở đã tổ chức họp Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh với sự tham dự của các ngành thành viên và phóng viên các cơ quan báo, đài để thông tin tuyên truyền rộng rãi về chủ đề, nội dung của Tháng hành động; phát miễn phí các ấn phẩm truyền thông đến các địa phương, doanh nghiệp; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, cơ quan báo, đăng, phát nhiều tin bài, phóng sự phản ánh những vấn đề nổi cộm về tình hình thực tế tại các cơ sở, doanh nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động; ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động, chính quyền địa phương đối với công tác này.  
Năm 2023, công tác thông tin tuyên truyền về chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” đã được triển khai sớm và đã huy động được sự vào cuộc rất tích cực và có hiệu quả của các cơ quan thông tin đại chúng với số lượng tin, bài ngày càng tăng. Nhiều báo, tạp chí đã dành cả chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ điểm Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động - phòng cháy chữa cháy góp phần tạo hiệu ứng tuyên truyền rất tốt trong cộng đồng.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động về công tác này. Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, tổ chức tốt hơn các hoạt động về huấn luyện, thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động  góp phần kịp thời phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ tai nạn lao động xảy ra.
 Nhiều doanh nghiệp đã tích cực cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; từng bước xây dựng văn hóa về an toàn lao động; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Cũng thông qua việc tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, nhận thức về việc chấp hành pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội của người lao động và người sử dụng lao động được nâng lên rõ rệt, nhất là người lao động nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, góp phần hình thành thói quen hành động theo pháp luật, từ đó hạn chế các tranh chấp trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, góp phần ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp ./.
Mỹ Linh