Sóc Trăng quan tâm thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất
(LĐXH)-Thực hiện Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện trên địa bàn. Nhất là, khi thực hiện các Dự án đầu tư cần phải thu hồi đất của người dân, song song với việc lập phương án bồi thường, tái định cư, địa phương phải có phương án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển việc làm cho người dân bị thu hồi đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được triển khai thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu đưa chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất vào các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch do Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, tổng số lao động bị thu hồi đất đất nông nghiệp của tỉnh là 555 người. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 là 280 người, giai đoạn 2021-2023 là 275 người.
Số lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng từ năm 2016 đến 2020 là 280 người và từ năm 2021 đến 2023 là 275 người.
Số lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ giải quyết việc làm: 555 người (vừa được hỗ trợ đào tạo nghề, vừa được hỗ trợ giải quyết việc làm sau đào tạo).
Theo đánh giá, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm triển khai thực hiện; ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh còn ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay cho người lao động đi làm việc và học tập ở nước ngoài, nhờ đó đã tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho người lao động được học tập, tìm việc làm, tạo thu nhập cao, nhất là lao động trẻ.
Cùng với đó, hiện nay, doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến trình độ chuyên môn, tay nghề của người lao động, nên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tay nghề trước khi tuyển dụng, quan tâm đặt hàng đào tạo, …. Doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho nhà giáo, học sinh sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham quan kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp; liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, công nhận tốt nghiệp, tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo với phương châm các bên cùng có lợi. Từ đó, đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất được gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, … trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất chưa được các chủ dự án quan tâm thực hiện, nên các nguồn kinh phí huy động từ các chủ đầu tư dành cho hỗ trợ đào tạo nghề chưa có, chủ yếu là ngân sách nhà nước hỗ trợ;
Một số địa phương và chủ đầu tư các dự án có thu hồi đất chưa quan tâm xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất tại các nơi có dự án đi qua;
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh còn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận các chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Trung ương trực tiếp triển khai, thực hiện;
Việc phát triển các ngành, nghề đào tạo mới theo nhu cầu thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngành, nghề đào tạo nguồn lao động chất lượng cao do thiếu nguồn lực hỗ trợ phát triển các điều kiện đảm bảo mở mã ngành, nghề đào tạo theo quy định;
Tình trạng thừa và thiếu lao động qua đào tạo ở nhiều ngành, lĩnh vực còn diễn ra phổ biến. Không gian việc làm tại các địa phương trong tỉnh còn nhỏ, chưa đa dạng, quy mô sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã,... còn ít; lương thưởng, các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động còn thấp.
Để thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sóc Trăng kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 46/2015 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ từ mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học lên mức 05 triệu đồng/người/khóa học cho phù hợp với mặt bằng giá cả thị trường hiện nay./.
Nhật Hằng
-
Huyện Đồng Hỷ: Quan tâm giải quyết việc làm bền vững cho người lao động
26-11-2024 14:41 12
-
Thái Nguyên: Phát triển thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm
26-11-2024 14:41 07
-
Huyện Phú Lương: Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo
26-11-2024 14:41 03
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51