Xã hội
Sơn La nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy
07:57 AM 03/04/2022
(LĐXH)- Thời gian qua, việc nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn được tỉnh Sơn La quan tâm triển khai kịp thời và đạt được kết quả ghi nhận.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sơn La, cho biết: Trên địa bàn hiện có 02 Cơ sở Điều trị nghiện ma túy thuộc Sở quản lý gồm: Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy huyện Sông Mã. Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, Sở đã chỉ đạo các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tăng cường công tác quản lý học viên, đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở; thực hiện nghiêm quy trình cai nghiện, xác định tình trạng người nghiện ma túy, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người nghiện đang thực hiện việc cai nghiện tại cơ sở. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, lao động trị liệu, và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao nhằm thực hiện tốt quy trình cai nghiện, tạo lối sống lành mạnh, phòng, chống tái nghiện cho người nghiện đang thực hiện việc cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy.
Học viên Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống ma túy
Với tổng công suất tiếp nhận 2.250 người (Cơ sở tỉnh 2.150 người, Cơ sở Sông Mã 100 người), trong năm 2021, các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy đã tiếp nhận 2.040 người; trong đó, xác định tình trạng nghiện 622 người, hỗ trợ cắt cơn 703 người, cai nghiện tự nguyện 17 người, cai nghiện bắt buộc 698 người. Trong quý I/2022, các cơ sở tiếp nhận mới 463 học viên, bao gồm: cưỡng chế 132 học viên, tự nguyện 38 học viên, hỗ trợ cắt cơn cai nghiện 120 học viên, xác định tình trạng nghiện ma túy cho 173 lượt người. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2022, các Cơ sở điều trị nghiện ma túy đang quản lý, giáo dục, chữa trị, cai nghiện cho 1.441 người (cai nghiện tự nguyện 30 người, cai nghiện bắt buộc 1.411 người).
Đến nay, 100% số học viên đang cai nghiện, chữa trị tại các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy được giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy và các kiến thức về cai nghiện, phòng ngừa tái nghiện và các chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện. Được tư vấn về tác hại của ma túy, HIV/AIDS cách phòng tránh lây nhiễm chéo, cách chăm sóc bệnh nhân tại gia đình và cộng đồng, tránh kỳ thị phân biệt đối xử với các học viên có HIV... Bên cạnh công tác tuyên truyền và tư vấn, các cơ sở còn triển khai hoạt động mở thư viện cho cán bộ, học viên mượn sách đọc được 35 buổi, trên 2.700 lượt người khoảng 6.000 lượt đầu sách.
Đặc biệt, để tạo cơ hội cho người sau cai nghiện ma túy về việc làm, thu nhập, giúp ổn định cuộc sống, ngăn ngừa tái nghiện, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, công tác tổ chức giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy luôn được Cơ sở Điều trị nghiện ma túy chú trọng thực hiện. Kết quả chỉ tính riêng năm 2021, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh phối hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) tổ chức dạy nghề cho 105 học viên/3 lớp với các ngành nghề: kỹ thuật phòng và điều trị bệnh cho gia cầm, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật phòng và điều trị bệnh về chăn nuôi; sau khóa học, 105 học viên được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp. Ngoài ra, tổ chức thi kết thúc lớp xóa mù chữ cho 29 học viên và mở 01 lớp xóa mù chữ cho 30 học viên tham gia; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La, tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 100 học viên sắp hết thời hạn chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy.
Không chỉ vậy, trong quá trình điều trị, cai nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy, các học viên được tham gia lao động trị liệu kết hợp với được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, truyền thụ kinh nghiệm thực tế trong lao động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, mây tre đan, khâu bóng da, nghề xây, nghề mộc... Qua đó, giúp cho mỗi học viên nắm bắt được kỹ thuật, hình thành kỹ năng tự tổ chức tăng gia sản xuất, tạo kinh nghiệm cho bản thân, gia đình khi chấp hành thời gian cai nghiện trở về gia đình, địa phương.
Bên cạnh đó, công tác Điều trị Methadone tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh và huyện Sông Mã cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Kết quả, năm 2021, kỳ trước chuyển sang 94 bệnh nhân, bổ sung trong kỳ 44 bệnh nhân, ra trong kỳ 69 bệnh nhân. Tính đến cuối năm 2021, đang điều trị cho 67 bệnh nhân; quý I/2022 số chuyển sang từ tháng 12/2021 là 67 người, tiếp nhận mới trong kỳ 08 người, số ra trong kỳ 12 người. Hiện tại, 02 cơ sở đang thực hiện điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 63 người.
Tiếp đến, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác điều trị và tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện trở về nơi cư trú tiếp cận với các dịch vụ y tế, các chương trình học nghề, tạo việc làm, giúp ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn UBND cấp xã thường xuyên rà soát kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của "Tổ công tác cai nghiện ma túy của xã" và "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng". Trong năm 2021, toàn tỉnh thực hiện quản lý, giáo dục, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho 620 người; thực hiện quản lý sau cai nghiện ma túy 802 người.
Việc hỗ trợ cắt cơn cai nghiện cho người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La được thực hiện tại các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy. Thống kê từ ngày 01/01/2020 đến 15/3/2022, các cơ sở đã thực hiện hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy cho 1.699 người nghiện ma túy; sau khi hết thời gian hỗ trợ cắt cơn, các cơ sỏ bàn giao lại cho UBND cấp xã để tiếp tục thực hiện quy trình quản lý, giáo dục; cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng.
Ngoài ra, Sơn La còn duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 12 Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng gắn với cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại trạm y tế. Các điểm này đã thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ và tư vấn giúp người nghiện ma túy tiếp cận các dịch vụ cai nghiện, tự lựa chọn phương pháp điều trị, cai nghiện thích hợp; tư vấn và hỗ trợ người nghiện tuân thủ điều trị; tư vấn về học nghề, việc làm…
Có thể thấy rằng, công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của các tổ chức chính trị xã hôi và của cả cộng đồng. Các trường hợp người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện đều được áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, điều trị cai nghiện phù hợp theo quy định của pháp luật; các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cai nghiện trong tình hình mới.

Chí Tâm

 

Từ khóa: