Xã hội
Sơn La: Tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công
02:11 PM 06/07/2020
(LĐXH) Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, thống nhất của đất nước. Có người hy sinh tại chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Vì thế, những năm qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách nhằm chia sẻ, bù đắp phần nào những mất mát, đau thương.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang quản lý 35.522 người có công với cách mạng, trong đó có 52 cán bộ lão thành cách mạng; 101 cán bộ tiền khởi nghĩa; 3.978 liệt sỹ; 115 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng; 10 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; 2.984 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh B; 655 bệnh binh; 633 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 28 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 26.960 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; 6 người có công giúp đỡ cách mạng.
Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La
Những năm qua, các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công được thực hiện đầy đủ và kịp thời; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng nhân các ngày lễ, tết cùng chế độ điều dưỡng, bảo hiểm y tế theo quy định. Hàng năm, tỉnh đã tuyên truyền, vận động các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tham gia ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Từ năm 2015 đến tháng 5/2019, tỉnh Sơn La thực hiện giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công (trợ cấp một lần cho người HĐKC được tặng thưởng Huân, huy chương; thân nhân người người có công với cách mạng chết trước 01/01/1995; người có công giúp đỡ cách mạng; thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; mai táng phí các đối tượng người có công theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP...), với tổng kinh phí 57,3 tỷ đồng.
Thực hiện chi trả trợ cấp một lần theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ cho người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho 4.686 người với tổng số tiền là 5,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí địa phương. Tính đến ngày 5/2019 đã cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho 28.540 lượt người có công và thân nhân người có công. Việc chăm sóc sức khỏe cho người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe và trang cấp dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân, từ năm 2015-2019, tổng trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 2.040 lượt người trên địa bàn, với tổng kinh phí  trên 1,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện điều dưỡng cho 8.392 lượt người,  trong đó điều dưỡng tập trung cho 555 người; điều dưỡng tại gia đình 7.837 người. Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở tính đến ngày 15/4/2019 là 9.199 hộ, kinh phí là 243,826 tỷ đồng.
 Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Tạ Khoa - huyện Bắc Yên
Công tác thăm viếng, quản lý, chăm sóc mộ tại nghĩa trang cũng được đặc biệt quan tâm nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống cha ông. Hiện toàn tỉnh có 12 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số 1.657 mộ liệt sĩ; có 191/204 xã, phường, thị trấn có liệt sĩ, trong đó có 93 xã, phường, thị trấn có nhà bia ghi tên liệt sĩ. Hàng năm, tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định phân bổ kinh phí cải tạo, sửa chữa nghĩa trang từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công. Tổng ngân sách nhà nước sử dụng cho công tác nghĩa trang và mộ liệt sĩ từ 2015 đến 2019 là hơn 31,9 tỷ đồng. Hàng năm, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng và di chuyển đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương theo nguyện vọng của gia đình. Đồng thời thực hiện đầy đủ việc cấp báo nhân dân cho cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - TBXH phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý chăm sóc nghĩa trang chu đáo, đảm bảo không gian luôn xanh, sạch, đẹp, là địa chỉ tâm linh, lịch sử và truyền thống để nhân dân thành phố, du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.
Tăng cường công tác khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh chưa được quy tập vào các nghĩa trang; Chỉ đạo xây dựng Cổng thông tin Điện tử đăng tải danh sách và thông tin liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ làm cơ sở số hóa thông tin về mộ, nghĩa trang liệt sỹ trên toàn tỉnh, để quản lý và tạo điều kiện cho các gia đình liệt sỹ tìm kiếm thông tin về phần mộ liệt sỹ. Đến nay, toàn bộ dữ liệu về mộ và nghĩa trang liệt sỹ đã được ứng dụng cập nhật trên hệ thống Cổng thông tin điện tử về mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ cả nước tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sỹ tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác; Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các huyện, thành phố thống nhất thực hiện lấy mẫu sinh phẩm để thực hiện giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đề án tại Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể thấy, nhiều năm qua, nhờ phát huy tốt hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của các cấp, ban ngành, đoàn thể trong việc chăm lo đời sống cho người có công đã động viên kịp thời đối tượng người có công và gia đình vươn lên, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đó, còn góp phần bồi đắp, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”./.
Hồng Phượng
         
Từ khóa: