Xã hội
Tấm gương thương binh vượt khó vươn lên làm giàu ở Trà Vinh
10:46 AM 26/05/2020
(LĐXH)- Ở xã Đại An, một trong những xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của huyện Trà Cú, ai cũng thán phục tấm gương vươn lên làm giàu của ông Thạch Khanh, thương binh hạng 2.
“Tưởng chắc tiêu luôn rồi” - là câu mở đầu của quá trình hồi tưởng về quá khứ khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Camphuchia của thương binh Thạch Khanh. Ông kể, năm 1987, ông được lệnh nhập ngũ và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Camphuchia chống lại nạn diệt chủng của Pol Pót ở một tỉnh vùng sâu. Tại đơn vị, ông được giao nhiệm vụ đặt, gỡ mình và dọn đường cho các đơn vị kéo pháo đánh địch, nên cũng ít khi phải chiến đấu trực diện với kẻ thù.
Ông Thạch Khanh tại trang trại bò của gia đình
Tuy nhiên, có không ít lần chạm trán không mong muốn và có lẽ là trận đánh ác liệt nhất trong suốt thời gian tại ngũ mà ông nhớ mãi. Đó là thời gian ông cùng đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ đặt mìm thì bị quân Pol Pót phát hiện và hai bên đánh nhau rất ác liệt.
Do địa hình rừng núi hiểm trở, đánh nhau quá ác liệt nên nhóm mười mấy người của ông bị lạc thành nhiều tốp và tốp của ông chỉ còn 4 người. Bị lạc trong rừng đúng 01 ngày 01 đêm không cơm ăn nước uống và không  tìm được đường về nên đành phải bắn hiệu để liên lạc với đơn vị. Sau hơn 02 năm tại ngũ, ông bị bệnh nặng và được đơn vị đưa về bệnh viện Quân Y 121 Cần Thơ chữa trị và sau đó được cho giải ngũ với tỷ lệ mất sức 65%, là bệnh binh hạng 2.
Về lại gia đình, sau đó lập gia đình, ra riêng với hai bàn tay trắng nên cuộc sống lúc bấy giờ vô cùng cơ cực. Ông cho biết, bản thân bị bệnh, không làm được những công việc nặng nhọc nên cuộc sống cứ khó khăn, chồng chất khó khăn. Không đầu hàng số phận, ông học nấu rượu như là một nghề để kiếm sống và cũng là một cái duyên với chính mình. Để kiếm thêm thu nhập, gia đình quyết định nuôi heo cùng ngành nghề khác.  
Trong chăn nuôi, ông luôn chịu thương, chịu khó tạo thu nhập nuôi gia đình và cho 2 đứa con đi học, ông trời không phụ lòng, ông luôn thành công trong chăn nuôi. Trên đà thắng lợi, gia đình đầu tư thêm, có những lúc, đàn heo của gia đình đạt đỉnh khoảng 200 con lớn nhỏ. Từ đó, gia đình dần dần cũng vượt qua khó khăn, xây dựng được cơ ngơi khang trang, nuôi dạy được con cái và trở thành người hữu ích cho xã hội. Bên cạnh đó, từ việc biết tích lũy, gia đình đã mua thêm 4 công đất ruộng để sản xuất kiếm thêm thu nhập.
Ngoài ra, gia đình ông được xem là hộ chăn nuôi nhạy bén của địa phương, khi chuyển đổi mô hình chăn nuôi khi bệnh dịch tả heo châu Phi càng quét qua địa bàn huyện và gia đình cũng thiệt hại vô cùng lớn. Do đó, để tận dụng cơ sở vật chất hiện có, gia đình đã chuyển qua đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo. Hiện tại gia đình đã đầu tư 21 con bò nuôi theo hình thức vỗ béo; trong đó, có gần một nữa đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng.
Theo nhận định của ông Thạch Khanh, nuôi bò thì chắc hơn nuôi heo vì nó ít bệnh, giá ổn định hơn; tuy nhiên, cái khó nhất chính là công chăm sóc, cắt cỏ nên gia đình không đầu tư được nhiều.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định nên gia đình tái đàn với số lượng khoảng 10 heo. Ông cho biết, ngoài nỗi lo về dịch bệnh thì giá heo con quá cao nên đầu tư tái đàn trong lúc này dễ dẫn đến thua lỗ cho người nuôi nên gia đình chỉ nuôi thăm dò là chính.
Những gì mà chúng tôi thấy được, cho thấy tinh thần vươn lên vượt khó của một thương binh đã được bù đắp xứng đáng, đó cũng là tấm gương sáng để mọi người noi theo trong việc xây dựng ý chí phấn đấu vươn lên của bản thân trong phát triển kinh tế của gia đình và đóng góp cho xã hội ngày càng giàu đẹp./.
Tấn Tài
Từ khóa: