Lao động
Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
08:21 PM 24/04/2023
(LĐXH)- Nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT.
NKT được quan tâm hỗ trợ học nghề phù hợp 
Thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 7,06 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2022, đã có trên 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Nhìn chung, đời sống của NKT còn gặp nhiều khó khăn, đa số sống ở vùng nông thôn, điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội còn hạn chế.
Thực hiện chính sách trợ giúp NKT, trong năm 2022, các đơn vị đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển Đức (GIZ) xây dựng khóa học online “Kỹ năng giảng dạy hòa nhập”; chương trình đào tạo “Kỹ năng giảng dạy hòa nhập; cách điều chỉnh chương trình, bài giảng và đánh giá theo nhu cầu đa dạng của người học”. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, cắt may, dệt thêu thổ cẩm cho 300 người khuyết tật. Hội Người mù Việt Nam đã mở được 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 900 NKT, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật.
Trong công tác việc làm, NKT được tạo điều kiện vay vốn duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động đã cho vay 3.206 dự án của người lao động là NKT, tạo việc làm cho khoảng 1.000.000 lao động là NKT (riêng Hội Người mù đã cho vay 554 dự án trong đó có 493 dự án của NKT tạo việc làm cho 588 hội viên trong đó có 493 lao động là NKT).
Về hỗ trợ sinh kế: Bằng nguồn ngân sách bố trí cho Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các tổ chức của NKT: thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật đã triển khai tại 02 tỉnh Hải Dương và An Giang hỗ trợ 47 NKT khởi nghiệp; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 triển khai mô hình sinh kế cho NKT không có sinh kế ổn định tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh: huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trao tặng tổng số 120 con bò cái sinh sản cho 120 NKT nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có sinh kế ổn định.
Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã hỗ trợ vốn để làm kinh tế cho 1.700 NKT và hỗ trợ vật nuôi cho 243 hộ gia đình. Triển khai dự án phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là NKT, trẻ mồ côi của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An với 60 hộ tham gia và 270 người thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch công tác hỗ trợ phụ nữ khuyết tật năm 2022; Huy động nguồn lực, xây dựng các công trình tiếp cận, các nhà tiêu hợp vệ sinh cho phụ nữ khuyết tật từ nguồn dự án WOBA hỗ trợ 6.417 NKT xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và đấu nối với nước sạch; Nhà vệ sinh có hạng mục tiếp cận được dự án áp dụng cho các hộ gia đình có người khuyết tật; 53 nhà vệ sinh mẫu có tiếp cận cho NKT và 5 hạng mục tiếp cận cho 5 trạm y tế xã đã được thực hiện tại 5 tỉnh. Chương trình Nông thôn mới đã tập huấn cho 210 tuyên truyền viên và thợ xây về nhà vệ sinh có tiếp cận cho NKT, hỗ trợ 3 hộ gia đình phụ nữ khuyết tật xây, trình diễn mẫu 3 nhà vệ sinh có tiếp cận cho NKT tại Sóc Trăng, Kon Tum, Thái Nguyên. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ phụ nữ khuyết tật thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình tự lực, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản,…
Hội Người mù Việt Nam tiếp tục thực hiện Chương trình “Chung tay hỗ trợ mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở (đã huy động được 150 triệu đồng do cán bộ, hội viên đóng góp hỗ trợ làm nhà cho 03 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Đắk Nông, Quảng Bình và Cao Bằng).
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn như: Doanh nghiệp chưa mặn mà tuyển NKT vào làm việc do các quy định cấm sử dụng lao động khuyết tật suy giảm khả năng lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Lao động học một số nghề chưa tìm được việc làm; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn. Chưa có hướng dẫn tổ chức giáo dục nghề, chưa có tài liệu giáo dục nghề riêng đối với NKT; có chính sách vay vốn ưu đãi nhưng không tăng thêm nguồn nên NKT không được vay để phát triển sản xuất.
Trong thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề cho NKT; rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho NKT; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 NKT./.
Hồng Phượng
 
 
 
Từ khóa: