Lao động
Tăng cường hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2020-2025
10:09 AM 16/10/2019
(LĐXH) - Trong giai đoạn 2021 - 2025, tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, đào tạo nghề phát triển hợp tác xã... Đây là một trong những nội dung chính tại Hội nghị giao ban về đào tạo trình độ sơ cấp, sơ kết 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2010 – 2019) do Tổng Cục GDNN tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng hàng trăm đại biểu đến từ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh và đại diện các trung tâm đào tạo nghề.

Theo báo cáo của Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp, hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Ước tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người. Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Tiếp đó, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính gồm "Đào tạo trình độ sơ cấp; Đào tạo thường xuyên và Đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Trong đó, đa số các đại biểu đều chú trọng quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, có gần 350 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

Tạo điều diện cho người nông dân được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định

Để đạt được mục tiêu đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn trong giai đoạn từ năm 2021-2025, đa số các đại biểu đều cho rằng các địa phương cần xây dựng, phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện lồng ghép, huy động có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương của Đề án để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời cần có sự tăng cường tương tác giữa các địa phương và Tổng Cục để kết nối, chia sẽ kinh nghiệm và giải quyết những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện đề án. Bên cạnh đó, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng chia sẻ thêm: "Thực tế cho thấy do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch; kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao; việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề được đào tạo. Thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao tính hiệu quả của Đề án, các cấp, các ngành cùng địa phương cần nỗ lực phấn đấu, chủ động hơn trong công tác tham mưu, đề xuất và dành những nguồn lực tài chính cụ thể hơn cho giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng..."

PV




Từ khóa: