Xã hội
Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người và Đường dây nóng 111
03:40 PM 04/07/2019
(LĐXH) - “87,7% người dân được phỏng vấn đều chưa từng nghe đến Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người. Chỉ có 37 người (12,3%) là đã từng nghe...”. Đây là một trong những kết quả của Khảo sát đầu kỳ Dự án tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam đưa ra tại cuộc họp Ban Điều phối chung diễn ra sáng 04/07/2019, tại Hà Nội.
Nhiều kết quả của Khảo sát đầu kỳ đã được trình bày tại cuộc họp

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và ông Ryutaro Kobayashi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chủ trì cuộc họp.

Tại lễ ký kết, bà Masako Iwashina – Cố vấn trưởng Dự án giai đoạn II cho biết, với việc phỏng vấn người dân (300 người được lựa chọn có chủ đích tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh và Tây Ninh) về mức độ nhận thức về Đường dây PCMBN và mức độ nhận thức về nạn mua bán người, ý tưởng về các hoạt động quảng bá hình ảnh, kết quả cho thấy 87,7% người dân được phỏng vấn đều chưa từng nghe đến Đường dây nóng PCMBN. Chỉ có 37 người (12,3%) là đã từng nghe. Cao Bằng là tỉnh có tỉ lệ người dân biết đến Đường dây nóng nhiều nhất (23%); 11% tại Hà Tĩnh và Tây Ninh là tỉnh có tỉ lệ biết ít nhất, chiếm 3%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy người dân biết tới Đường dây nóng chủ yếu qua các hình thức như: Truyền thông đại chúng (tivi, báo, đài...), mạng xã hội, nhân viên nhà nước và truyền thông tại xã/thôn/bản, bạn bè và họ hàng, truyền thông tại trường học, tờ tơi, áp phích và lịch về PCMBN. Bên cạnh đó, những người được phỏng vấn (42%) trả lời “Không biết” về các rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra đối với người di cư đi làm việc hoặc kết hôn.

Bên cạnh đó, một số kết quả hữu ích khác cũng được đưa ra như: Thời gian thích hợp để tổ chức các hoạt động truyền thông: “Tháng cao điểm PCMBN” từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, “Mùa cao điểm PCMBN” từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm; Có tới 91% người được phỏng vấn sử dụng điện thoại di động, trong đó có 57,7% đang sử dụng điện thoại thông minh để tham gia vào các trang mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, YouTube, Zalo.

Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em): “Đây là những thông tin rất hữu ích để hướng đến truyền thông trên các kênh, phương tiện nào cho hiệu quả. Mặc dù truyền thông trên các trang mạng xã hội có thể đem lại hiệu quả cao nhưng phải hay, cuốn hút, hiệu quả cao và đòi hỏi cần sự đầu tư lớn”.

Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông:
cần có sự đầu tư lớn cho hoạt động truyền thông

Theo ông Nguyễn Công Hiệu, trong khảo sát đánh giá đầu kỳ chưa có hoạt động truyền thông về Đường dây nóng được thực hiện trước khi có Dự án. Do vậy, trong chỉ số mới đề xuất có 20 biện pháp truyền thông được thực hiện bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó cần tăng lượng người biết đến Đường dây nóng. Với thực tế hiện nay (12,3% người dân đã từng nghe đến Đường dây 111), sau 3 năm Dự án sẽ đánh giá ở cùng một địa phương đã được đánh giá ở đầu kỳ và dự kiến có khoảng 50% người dân biết về Đường dây nóng.

Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết,  tiếp tục thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, ngay trong tháng 5, Ban Chỉ đạo 138/CP (Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ) đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động của toàn xã hội về PCMBN góp phần ngăn chặn tình trạng gia tăng tội phạm mua bán người. Theo đó, điểm nhấn trong Hoạt động “Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7) sẽ tập trung vào chuỗi các hoạt động tại tỉnh Lạng Sơn như: Tổ chức hội thảo chuyên đề về bàn giải pháp PCMBN sang Trung Quốc (80% nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc); Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người; Chiến dịch truyền thông hướng đến cộng đồng về PCMBN tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân ở cộng đồng. “Trong đề xuất ban đầu, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất hoạt động truyền thông tại 2 tỉnh Nghệ An và Tây Ninh (hai địa bàn nóng về PCMBN) với 3 hoạt động truyền thông trong năm 2019. Ngoài ra, Hội còn xây dựng phim hoạt hình về PCMBN và lồng ghép truyền thông đưa Đường dây nóng 111 vào. Phim sẽ tiếp cận các địa bàn trong dự án “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội. Đối tượng chủ yếu tập trung vào phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và nâng cao nhận thức cho các đối tượng phụ nữ vùng biên giới.

Phát biểu tại buổi họp, ông Ryutaro Kobayashi – Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhấn mạnh, JICA không chỉ đầu tư vào các dự án về hạ tầng lớn mà còn quan tâm đến an ninh con người, phát triển bền vững với khẩu hiệu “Kết nối thế giới bằng sự tin tưởng”. Chính vì vậy mà JICA đang có những hoạt động hỗ trợ về PCMBN ở các nước Tiểu vùng sông Mê Kong, Thái Lan, Mianma và Việt Nam.

Biên bản họp Ban Điều phối chung lần 2 đã được ký kết

Đánh giá cao sự hỗ trợ của Văn phòng JICA, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em hy vọng trong giai đoạn 2 với dự kiến tăng cường truyền thông về Tổng đài 111 với 2 chức năng bảo vệ trẻ em và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Cục Trẻ em sẽ thực hiện chiến dịch truyền thông lớn thông qua các kênh của các Bộ như: Truyền thông tới từng trường học; Đưa vào sách giáo khoa; Đưa vào hệ thống nhà hàng, khách sạn du lịch; Các thiết chế văn hóa; Các ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng liên quan đến sách dành cho trẻ em…

Nguyễn Hoàng Minh Quân

 

Từ khóa: