Xã hội
Tăng tuổi nghỉ hưu: Sẽ tính toán lộ trình phù hợp
02:47 PM 28/10/2016
(LĐXH) – Sáng 28/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, với sự tham gia của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH; ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 187 Bộ Luật lao động 2012 theo hướng điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng. Xung quanh việc sửa đổi, bổ sung này, dư luận đang đặt rất nhiều câu hỏi băn khoăn như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ theo hướng nào; điều chỉnh có mất cơ hội việc làm của giới trẻ; sự mất cân đối tuổi nghỉ hưu giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp sẽ được tính toán ra sao; lộ trình xây dựng, triển khai điều chỉnh tuổi nghỉ hưu…
Lý giải nguyên nhân phải tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết để tận dụng lực lượng lao động vì trên thực tế có nhiều phụ nữ 55 tuổi hay nam giới 60 tuổi vẫn còn sức khỏe muốn tiếp tục làm việc và cống hiến. Một lý do quan trọng nữa đó là để cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội, bởi vì tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên, hiện trung bình tuổi thọ là 73 tuổi, vì vậy nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây vỡ quỹ BHXH. Chưa kể, số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH, có một người hưởng lương hưu. Năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng BHXH thì có một người hưởng lương hưu, đó đều là những nguyên nhân khiến cho quỹ hưu trí mất cân đối. Quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu, mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Khi GDP tăng, mức sống và tuổi thọ của người lao động tăng thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên việc điều chỉnh như thế nào thì cần tính toán, cân nhắc theo một lộ trình cụ thể.
Cũng với quan điểm cần thiết phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết, phù hợp với thực trạng của đất nước ta hiện nay. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống pháp luật phải tính toán cho tương lai, đi trước đón đầu, phải có lộ trình nhất định, trong đó phải quan tâm đến các vấn đề như: việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng từ thời điểm nào, với nhóm đối tượng nào, tăng bao nhiêu tuổi… nhưng nhóm lao động trực tiếp, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, lao động làm những công việc đặc thù: Thọ mỏ, xây dựng... Bên cạnh đó phải tính toán sao cho việc tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của thế hệ trẻ.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, nếu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được thông qua thì việc thực hiện cũng sẽ tiến hành theo một lộ trình dài chứ không phải áp dụng ngay lập tức. Tăng tuổi hưu sẽ tác động đến vấn đề việc làm nhưng không hạn chế cơ hội của nhóm lao động trẻ vì khối lượng công việc trong xã hội, Việt Nam là đất nước đang phát triển, thị trường lao động sẽ ngày càng được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng cho mọi lĩnh vực ngành nghề. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phải tính đến việc làm thế nào để vừa sử dụng tốt nhóm người cao tuổi nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho lao động trẻ, nhất là nhóm lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao có cơ hội làm việc và cống hiến. 
Đề cập đến vấn đề tuổi nghỉ hưu đối với quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng là đủ 25 năm công tác, khi nghỉ hưu những lao động này mới hơn 40-50 tuổi sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực, bên cạnh đó thời gian được hưởng lương hưu quá dài, liệu có tác động đến tình trạng  mất cân đối quỹ BHXH hay không? Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết trước mắt sẽ chỉ điều chỉnh chung, còn đối với lực lượng vũ trang sẽ cân nhắc, nghiên cứu vì lực lượng vũ trang có những đặc thù riêng.
Còn ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Thực hiện Luật BHXH, nói chung là không quy định riêng cho đối tượng nào. Tất cả đều phải thực hiện nguyên tắc Đóng- Hưởng. Do vậy lực lượng vũ trang đóng cao và hưởng cao là đương nhiên. Theo đó, ở đây chỉ xét về chế độ đặc thù. Tiến tới chúng tôi kiến nghị phần đặc thù thì ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch.
Luật BHXH hiện nay quy định tuổi nghỉ hưu của Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân…, trong lực lượng vũ trang thấp hơn so với các đối tượng lao động khác (thường là 5 tuổi). Ngoài ra, còn có những quy định tuổi nghỉ hưu sớm hơn (ví dụ: nam có 25 năm, nữ có 20 năm công tác trong quân đội trong đó có ít nhất 5 năm tuổi quân đã được nghỉ hưu) hoặc Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Cơ yếu quy định trần tuổi nghỉ hưu đối với từng cấp hàm thấp hơn tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ. Do đó, trên thực tế, quỹ Hưu trí phải chi trả cho đối tượng này về thời gian nhiều hơn các đối tượng khác, về mức hưởng lương hưu của đối tượng này thuộc nhóm lương hưu cao nên số tiền chi từ quỹ cũng lớn hơn. Việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa các đối tượng cũng là một trong những lý do dẫn đến mất cân đối quỹ và cũng là nguyên nhân chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng trong quan hệ Đóng- Hưởng. Tuy nhiên, đây là lực lượng lao động đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Vì vậy, có thể trong thời gian tới, cần tính toán việc ngân sách Nhà nước phải bù vào quỹ phần chênh lệch của lực lượng vũ trang để đảm bảo quỹ Hưu trí đủ nguồn lực cân đối chung.

Nguyễn Hiền

Từ khóa: