Xã hội
Thái Bình: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo
03:28 PM 24/07/2024
(LĐXH) - Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình MTQG giảm nghèo đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Thái Bình. Các chính sách giảm nghèo được triển khai với nhiều giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực.
Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Thái Bình còn 11.925 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,14%
Tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về chủ chương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; chỉ đạo tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tinh thần “tương thân tương ái” trong công tác vận động “Quỹ vì người nghèo”. Tổ chức các hoạt động thi đua “Vì người nghèo -  Không để ai bị bỏ lại phía sau”; biểu dương khen thưởng các địa phương, cộng đồng, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác giảm nghèo.
Các cơ quan thông tin đại chúng và hầu hết các địa phương, cơ sở đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch; tăng thời lượng tuyên truyền; các xã đã tổ chức nhiệù hội nghị tuyên truyền ở thôn, xóm; in phát từ rơi tuyên truyền về giảm nghèo. Nhìn chung, thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và hầu hết cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nhân dân, giúp họ nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG; Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, tình hình triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương; đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát  thực hiện Chương trình tại địa phương theo quy định. Các sở, ngành, địa phương chủ trì, quản lý tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án hoạt động thuộc Chương trình đã xây dựng Kế hoạch tổ chức giám sát, đánh giá các dự án, tiểu dự án nội dung thành phần Chương trình và tổ chức kiểm tra, giám sát tại địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2021-2024, tỉnh Thái Bình được phân bổ 187.049 triệu đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ủy ban nhân nhân dân tỉnh đã giao Kế hoạch vốn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Nhìn chung, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đã thay đổi diện mạo của nông thôn Thái Bình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo giảm từ 15.739 hộ (tỷ lệ 2,40%) xuống 11.925 hộ (tỷ lệ 2,14%), hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm là 0,2% tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, giảm từ 1.000 đến 1.500 hộ nghèo mỗi năm, hoàn thành mục tiêu UBND tỉnh giao. Tổng số hộ cận nghèo giảm từ 16.218 hộ (tỷ lệ 2,47%) xuống 12.587 hộ (tỷ lệ 1.92%).  

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thái Bình cũng gặp một số khó khăn, tồn tại trong thực hiện Chương trình như: Việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhiều thủ tục hành chính, quy trình phức tạp, nên làm giảm tiến độ trong việc giải ngân nguồn vốn trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Công tác tuyên truyền về phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 tại một số cơ sở còn hạn chế nên có nơi người dân chưa biết hoặc chưa nắm rõ về phương pháp rà soát; Việc tuyên truyền về việc xác định thu nhập của hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình để hỗ trợ chính sách tại một số cơ sở còn hạn chế, nên người dân không biết để đề nghị được xác định hộ. Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã, cán bộ cơ sở (thôn, tổ dân phố) không đồng đều, nhiều nơi vẫn còn làm theo kinh nghiệm.

Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã xây dựng Đề xuất Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030 với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giảm 1/3 quy mô số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho 100% người nghèo, người cận nghèo theo quy định. Đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thường xuyên, được cấp thẻ BHYT và được hỗ trợ mai táng phí khi từ trần theo đúng quy định của chính sách. Thực hiện trợ giúp đột xuất đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; vận động xã hội hóa tham gia thực hiện trợ giúp xã hội./.

Hồng Phượng

Từ khóa: