Thành phố Hồ Chí Minh: Trách nhiệm và nghĩa tình với người có công
(LĐXH)- Những năm qua, để góp phần xoa dịu nỗi đau và những mất mát do chiến tranh gây ra, từ nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh luôn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và xem đó là trách nhiệm, sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.
Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai công tác xác nhận người có công được triển khai theo đúng quy trình, quy định của pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Giai đoạn 2021 - 2024, Thành phố đã xem xét, công nhận mới và thực hiện chính sách ưu đãi đối với 1.032 hồ sơ người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Đến nay, Thành phố đang quản lý 278.489 hồ sơ, trong đó có 5.485 hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay có 71 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị trong Thành phố nhận phụng dưỡng suốt đời); 153 hồ sơ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 27.596 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 3.719 hồ sơ bệnh binh; 10.838 hồ sơ người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; 7.456 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; và các đối tượng hưởng các trợ cấp ưu đãi khác.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM thăm Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Phởi (ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh)
Qua kết quả rà soát cho thấy, hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh không còn tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện chưa giải quyết. Chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công của Thành phố trong những năm qua được thực hiện đúng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và bám sát lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Hiện nay, Thành phố thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 35.563 lượt người có công với kinh phí hơn 75,3 tỷ đồng/tháng. Các trường hợp nhận trợ cấp hằng tháng đều được phối hợp với Bưu điện chi trả thường xuyên, liên tục, đảm bảo đúng thời gian, đúng đối tượng. Ngoài ra, có 14.425/35.389 lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng nhận chi trả trợ cấp qua tài khoản cá nhân ATM với tổng số tiền 31.575.391.021 đồng, chiếm tỷ lệ 41,76%.
Đăc biệt, Hội đồng nhân dân Thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 126/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 về chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Thành phố đã hỗ trợ hằng tháng từ ngân sách Thành phố cho một số nhóm đối tượng như: thương binh, bệnh binh có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/tháng/người và hỗ trợ cấp bù kinh phí trang bị phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công từ ngân sách Thành phố. Cùng với đó, hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương cho Mẹ Việt Nam anh hùng mức 2 triệu đồng/tháng/người. Ngoài chế độ quà tặng vào các dịp Lễ, Tết hằng năm của Trung ương, Thành phố đều có quà tặng cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Nhằm chăm lo chỗ ở cho người có công ổn định, khang trang, sạch đẹp, thành phố đã tập trung thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, cuối năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 2.765 hộ được hỗ trợ, trong đó xây mới 339 hộ, sửa chữa 2.426 hộ.
Đồng thời thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/NQ-TTg, trên địa bàn Thành phố phát sinh 248 hộ cần được hỗ trợ nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ là 11,47 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình thi đua tiêu biểu cấp Thành phố chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng kịp thời rà soát nhu cầu và xây dựng giải pháp cụ thể để hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố, phấn đấu hoàn thành và không để người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Theo thống kê, tổng nhu cầu cần hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là 140 căn nhà (07 căn nhà xây mới, 133 căn nhà sửa chữa). Bên cạnh đó, vận động kinh phí thực hiện sửa chữa, xây dựng mới 500 căn nhà tình thương cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến ngày 01 tháng 8 năm 2024, Thành phố đã hoàn thành 227/140 căn nhà (trong đó, hỗ trợ xây mới 07 căn nhà, sửa chữa 215 căn nhà).
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và xã hội còn phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 575/500 căn nhà tình thương cho hộ dân khó khăn, (trong đó, hỗ trợ xây mới 66 căn nhà).
Bên cạnh đó, công tác điều dưỡng người có công, công tác quản lý các công trình ghi công liệt sĩ và mộ liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Thành phố cũng được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực và lan tỏa đều khắp đến từng khu phố, tổ dân phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học..., huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cùng chung tay chăm lo công tác chính sách.
Hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán, Thành phố luôn dành hằng chục đến hằng trăm tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Ngoài ra, Thành phố cũng luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa tại địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố khác.
Để chủ động trong việc chăm lo cho diện chính sách, Thành phố đã vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với hơn 188,789 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; ngoài ra, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn đều xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương. Tính đến 01 tháng 01 năm 2024, trên địa bàn Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Có thể nói, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh đã kịp thời tham mưu nhiều chính sách ưu đãi người có công, nhiều phong trào Đền ơn đáp nghĩa đạt được hiệu quả cao, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từ đó tạo được sự đồng thuận sâu rộng, huy động được trách nhiệm và tình cảm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia chăm sóc người có công với cách mạng./.
Mỹ Hạnh
-
TP.HCM: Một ngày phát triển thêm 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
03-11-2024 11:50 18
-
Kiên Giang: Chú trọng làm tốt công tác quản lý nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn
01-11-2024 18:11 05
-
Quận Ngô Quyền: Nỗ lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công
02-10-2024 10:51 36
-
Hoà Bình: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
31-10-2024 11:24 10
-
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
31-10-2024 08:29 49
-
Long An nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng
31-10-2024 07:48 26