Xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 147.000 người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng
11:32 AM 29/08/2021
(LĐXH) - Theo Sở Lao động – TBXH TP. Hồ Chí Minh, triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Civid – 19, song Thành phố đã nỗ lực tập trung thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống các đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội, giúp họ ổn định cuộc sống.
Tặng quà cho đối tượng bảo trợ xã hội trên đia bàn thành phố
Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, Thành phố tiếp tục triển khai đến các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid – 19. Tiếp tục thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và công tác cứu trợ đột xuất, giải quyết chế độ mai táng phí, hỗ trợ chi phí hỏa táng tại cộng đồng một cách kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã thực hiện trợ cấp xã hội cho 147.593 người với tổng số tiền gần 116 tỷ đồng, trong đó trợ cấp xã hội hàng tháng là 132.203 người; hỗ trợ kinh phí chăm sóc xã hội hàng tháng 8.648 người; nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng 575 người; nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội công lập, nhà xã hội là 6.167 người.
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Thông tư 02 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Đề xuất các sở, ngành tăng cường thực hiện tiếp cận các công trình xây dựng, đường và hè phố đối với người khuyết tật.
Công tác quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội công lập trên địa bàn thành phố cũng được chú trọng. Sở Lao động – TBXH đang quản lý 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 01 cơ sở giáo dục và 01 cơ sở đào tạo nghề (Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm thành phố với 516 em). Trong 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã tiếp nhận 5.167 đối tượng bảo trợ xã hội vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, bao gồm 438 trẻ em dưới 16 tuổi; 139 người cao tuổi; 4021 người khuyết tật đặc biệt nặng.
Thực hiện chính sách xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo và cá nhân đã tham gia thành lập 62 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập (trong đó 52 cơ sở có quyết định thành lập) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, với số đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng là 3.810 người, trong đó người cao tuổi là 1.028 người, người khuyết tật 164 người, trẻ em là 1.918 người và đối tượng khác là 700 người.
Công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội nhận được sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể
Trong công tác tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – TBXH đã tiếp nhận 550 trường hợp người ăn xin, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định, trong đó có 184 trường hợp có dấu hiệu tâm thần, 67 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị định 136 đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động – TBXH quản lý (51 trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại cần bảo vệ khẩn cấp, 13 trường hợp có dấu hiệu tâm thần).
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH, với sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, công tác giải quyết chế độ chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất được các địa phương thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền văn bản chỉ đạo từ cấp trung ương, thành phố thường xuyên được phổ biến, cập nhật và triển khai xuống tận cơ sở để người dân được biết và cùng thực hiện. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19, các đơn vị nhận thức được mức độ quan trọng của dịch bệnh và chủ động cập nhật tình hình, thông báo về diễn biến dịch bệnh cũng như phối hợp và liên lạc với Trung tâm y tế dự phòng, Trạm y tế, bệnh viện và địa phương nơi trú đóng kịp thời, nhanh chóng và đạt hiệu quả nhất định. Việc xây dựng và tham mưu Thành phố ban hành, tổ chức thực hiện các quyết định, kế hoạch, đề án, chương trình trợ giúp xã hội trên địa bàn kịp thời và hiệu qủa. Cùng với các sở, ngành, đơn vị liên quan, Sở Lao động – TBXH chủ động đề xuất kịp thời những chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội và triển khai, hướng dẫn việc giải quyết chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Tổ chức đoàn kiểm tra giám sát hoạt động tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Qua kiểm tra tại một số đơn vị đã kịp thời hướng dẫn những vấn đề hạn chế, cần lưu ý. Nhìn chung, các Trung tâm bảo trợ xã hội cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng xã hội theo đúng quy định về các mặt vật chất, tinh thần phù hợp với điều kiện từng đơn vị.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Lao động – TBXH tiếp tục giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 tại các Cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc; Hướng dẫn thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý và điều chuyển đối tượng bảo trợ xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; Tiếp tục hướng dẫn hoạt động các Cơ sở trợ giúp xã hội, hướng dẫn thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng đúng quy định; Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã và Thông tư 02 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; Kiểm tra giám sát công tác thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập và công lập trên địa bàn thành phố…/.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: