Lao động
Thành phố Sông Công: Hỗ trợ việc làm cho người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo
09:26 AM 29/11/2024
(LĐXH) - Theo kết quả rà soát hộ nghèo, tính đến cuối năm 2023, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) còn 272 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,46%; 277 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,49%. Về dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo bị thiếu hụt thì ở chiều việc làm có 92 hộ, tỷ lệ 3,82%. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thành phố Sông Công đang nỗ lực triển khai Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, qua đó giúp người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có việc làm ổn định.
Các đơn vị và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tại phường Bách Quang,
thành phố Sông Công
Thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 thành phố Sông Công; chỉ đạo UBND các xã, phường củng cố, kiện toàn Ban quản lý Chương trình MTQG tại địa phương. Thành lập, kiện toàn Tổ thẩm định hồ sơ dự án, kế hoạch. Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm.
Nhằm triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo năm 2024, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 23/5/2024 về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,46% xuống còn 1,22% (tương ứng giảm khoảng 52 hộ nghèo); Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 1,49% xuống còn 1,37%. Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, trong đó tập trung vào các giải pháp: Giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo; gắn chương trình giảm nghèo với triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập bền vững. Ngoài ra, thành phố phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị, địa phương giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo...
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2024, tổng kinh phí ngân sách trung ương phân bổ cho thành phố Sông Công là 2,4 tỷ đồng, kết quả tính đến tháng 10/2024 đã giải ngân được 657 triệu đồng, đạt 27,2% kế hoạch vốn; Từ nguồn ngân sách thành phố là 358 triệu đồng, đã giải ngân được 50 triệu đồng, đạt 14% kế hoạch.
Có được kết quả trên, bên cạnh việc tập trung thực hiện nghiêm túc các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình, thành phố cũng chú trọng thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Về chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với chiều thiếu hụt về việc làm, thành phố phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Giúp đỡ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối tìm việc làm.
Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn. Việc thu thập, ghi chép thông tin về người lao động lần này là để giao cho công an cấp xã nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; làm cơ sở quan trọng hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực của thành phố. 
Nhìn chung, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững vững luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành của tỉnh; Cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở kịp thời xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai các cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác giảm nghèo. Với những kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ việc làm bền vững đã góp phần vào mục tiêu giảm nghèo chung của thành phố, qua đó bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, thành phố Sông Công mong muốn tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực phù hợp. Chủ động rà soát nhu cầu việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các Phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, phường./.
 
Minh Anh
 
Từ khóa: