Lao động
Thị trường lao động Hải Phòng ngày càng sôi động và hấp dẫn
02:36 PM 17/11/2023
(LĐXH)- Hải Phòng là thành phố lớn thứ ba của cả nước và lớn thứ hai ở miền Bắc (sau Hà Nội), là vùng đất có tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Số lượng người lao động chọn Hải Phòng là điểm đến để sinh sống và làm việc ngày càng nhiều khiến cho thị trường lao động thành phố Cảng ngày càng hấp dẫn và cạnh tranh.
Vị trí địa lý đắc địa giúp thành phố Hoa phượng đỏ hội tụ đủ lợi thế 5 loại hình giao thông (đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa). Đây là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ.
Thành phố đã ban hành danh mục dự án kêu gọi FDI, với hơn 50 dự án tập trung ở các ngành, lĩnh vực trọng tâm như: Ngành điện tử, điện lạnh, tin học; cơ khí, chế tạo; công nghiệp chế biến; giao thông vận tải; lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, công nghệ thông tin…
Nhờ đó, Hải Phòng đã trở thành  “bến đỗ” của rất nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước, và là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội, chỉ số phát triển ngành công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, tạo sự phát triển nhanh và bền vững. Trong những năm gần đây, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu kinh tế và khu công nghiệp (KCN) ở Hải Phòng luôn đạt mức cao (trung bình khoảng 2 tỷ USD/năm). Tính đến hết tháng 6/2023 đạt 24,85 tỷ USD, với 480 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, gấp 4,3 lần so với giai đoạn từ năm 1993 - 2013. Vốn đầu tư trong nước đạt 309 nghìn tỷ đồng.
Hải Phòng đã trở thành  “bến đỗ” của rất nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước.
Rất nhiều nhà máy với quy mô sản xuất lớn, trang bị nhiều dây chuyền hiện đại đã và đang được đầu tư xây dựng ở thành phố Cảng, nhiều nhà máy đã đi vào hoạt động thu hút hàng trăm nghìn lao động. Người lao động từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước chọn Hải Phòng là điểm đến để sinh sống và làm việc ngày càng nhiều khiến cho thị trường lao động thành phố Cảng ngày càng hấp dẫn và cạnh tranh.
Năm 2023, sau nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh chịu tác động các cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na và tổng cầu thế giới suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thị trường lao động Hải Phòng những tháng đầu năm 2023 có sự phục hồi nhất định. Bên cạnh các doanh nghiệp giảm đơn hàng phải cho lao động nghỉ việc cũng  nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt.
Theo số liệu từ Sàn giao dịch việc làm Hải Phòng thì nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia Sàn đến trung tuần tháng 11 năm 2023 là: 91.092 lao động. Nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp tập trung đăng ký tuyển lao động ở nhóm ngành cần nhiều lao động phổ thông như: dịch vụ, lắp ráp điện tử, may mặc – giày da, điện – điện tử, vận tải, cơ khí… Qua kết quả thu thập được, lao động đăng ký tìm việc ở nhóm ngành có trình độ qua đào tạo chiếm tỉ lệ 11% tập trung trong các nhóm ngành kế toán, điện, điện tử, đóng tàu, cơ khí, logicstic, luật, bảo hiểm…; lao động phổ thông chiếm 89% chủ yếu làm các công việc như: công nhân, bảo vệ, bán hàng, giao hàng, phục vụ… Tỷ lệ lao động phân theo giới tính có sự chênh lệch nhưng không lớn, trong đó lao động nam chiếm 54%, lao động nữ chiếm 46% trên tổng số lao động có nhu cầu tìm việc.
Nhiều người lao động chọn Hải Phòng là điểm đến để sinh sống và làm việc.
Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng thị trường lao động Hải Phòng đã có bước phát triển khả quan cả về quy mô và chất lượng. Với việc hệ thống thể chế, chính sách thị trường lao động được hoàn thiện ; quan hệ cung - cầu lao động gia tăng ; chất lượng việc làm ngày càng cải thiện ; từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức; cơ cấu lao động  có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực  nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ ; giảm nhanh tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỷ lệ việc làm được bảo vệ ; lao động Hải Phòng từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp  mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài ; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của người lao động được nâng lên.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng, thị trường lao động quý IV năm 2023 của thành phố cũng bị ảnh hưởng bởi những khó khăn, thách thức trong bối sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thiếu nhỡ việc làm, mất việc làm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nhóm ngành du lịch – dịch vụ có sự phục hồi khả quan hơn nhờ chính sách mở cửa du lịch của Chính phủ, giúp ngành này đón nhận được số lượng du khách lớn đến từ thị trường trong và ngoài nước - đây là ngành thu hút một lực lượng lao động lớn cả trực tiếp và gián tiếp.
Đối với khối ngành sản xuất và dịch vụ thương mại, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng nhưng không mạnh như mọi năm, doanh nghiệp sẽ ưu tiên giữ chân người lao động có tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm thay vì tuyển mới và mở rộng đội ngũ nhân sự.
Mỹ Linh
 
 

 

 

 

Từ khóa: