Thị trường lao động và những tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
(LĐXH) - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi như điểm nhấn của kỷ nguyên số, nó có tác động mạnh mẽ đến các ngành và nghề trong nền kinh tế, trong đó có Việt Nam - một quốc gia có nguồn cung lao động khá dồi dào và ổn định với hơn 55 triệu lao động. Những tác động đó đang được thể hiện rõ rệt và cụ thể qua từng vị trí công việc cũng như những chiến lược, định hướng, kế hoạch... trong việc phát triển thị trường lao động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam nếu không có sự chuẩn bị tốt thì CMCN 4.0 có thể sẽ dẫn đến mất việc làm ở một số ngành, nghề... Điển hình là nguy cơ thay thế lao động trong ngành dệt may, da giày, theo báo cáo mới nhất của ILO công bố tháng 7/2016 cho thấy Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ như được nêu trên. Tỷ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số tuyệt đối rất lớn vì khu vực này là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động (khoảng gần 2,3 triệu người, trong đó khoảng 78% là lao động nữ). Đặc biệt, trong số lao động này lại có nhiều lao động ít kỹ năng (trên 20% có trình độ tiểu học), và một tỷ lệ đáng kể không còn trẻ, từ 36 tuổi trở lên chiếm 35,84% đối với dệt may và 25,37% đối với giày dép. Đây là nhóm không dễ dàng tìm được việc làm thay thế ở trong khu vực chính thức. Trong ngành giày dép, công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giầy ngay tại chỗ và công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong một tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác. Tuy nhiên, tự động hóa không phải là mối đe dọa đối với người tìm việc, nếu họ có kỹ năng. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều cho rằng số hóa sẽ làm tăng khả năng tuyển dụng trong thời gian tới, chỉ có 10% dự đoán sẽ giảm số nhân lực vì tự động hóa...
Tác động đến chất lượng nguồn nhân lực, theo nhiều nghiên cứu cho thấy, kỹ năng lao động cần thiết trong kỷ nguyên công nghệ mới ngoài yêu cầu cứng về kỹ năng kỹ thuật (mức trung bình và cao) bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt thuộc về CMKT nhằm thực hiện công việc cụ thể thì cần phải có những kỹ năng làm việc mềm hay cốt lỗi như: Khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung. Ở Việt Nam, mặc dù lực lượng lao động khá dồi dào nhưng chất lượng cung còn thấp và đang được cải thiện, tuy nhiên quá trình này diễn ra khá chậm chạp. Bằng chứng là tỷ lệ lực lượng lao động ở nước ta đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đang có xu hướng tăng lên. Năm 2017, cả nước có trên 54,52 triệu người tham gia lực lượng lao động mà có trên 11,78 triệu người đã qua đào tạo có bằng với tỷ lệ 21,6% (tăng 3,6 điểm phần trăm so với năm 2013). Trong quý 4/2017,lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 12,02 triệu, tăng 351 nghìn người (3,01%) so với quý 4/2016. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nhóm cao đẳng (7,93%), tiếp đến nhóm đại học và trên đại học (5,73%) và nhóm trung cấp (1,08%); giảm khá mạnh ở nhóm sơ cấp nghề (-5,53%). Quý 4/2017, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ chiếm 21,8% LLLĐ, tăng nhẹ (0,4 điểm phần trăm) so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 9,74%; cao đẳng là 3,44%; trung cấp là 5,23%; và sơ cấp nghề là 3,39%.
Trong khi đó, ngành giáo dục – đào tạo ở Việt nam còn nhiều bất cập do chưa có những định hướng rõ nét, dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng… Bản thân số trường đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật cũng không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Báo cáo mới nhất về ngành công nghệ thông tin (CNTT) của VietnamWorks cho thấy, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%. Những sự lựa chọn “lạc hướng” của các thanh niên khi bước vào đại học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Tiếp đó, sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp hiện nay còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như việc hỗ trợ sinh viên thực tập. Thực tế là ngay cả trong các ngành tăng trưởng nhanh, sinh viên khi ra trường thiếu nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Hiện nay, chúng ta đang có các chính sách khuyến khích các giáo viên đăng tải các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế theo các danh mục chuẩn như ISI và Scorpus. Đây là hướng đi đúng đối với các trường đào tạo khoa học cơ bản. Tuy nhiên với các trường công nghệ và kỹ thuật, trọng tâm phải đặt vào gắn kết với các doanh nghiệp để thực hiện các nghiên cứu triển khai (R&D) để nâng cao khả năng hấp thụ, và nếu tốt hơn là tạo ra các bằng phát minh sáng chế và để lôi cuốn sinh viên trong các hoạt động này. Thực tập tại doanh nghiệp để có các kinh nghiệm thực tiễn phù hợp càng quan trọng hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: các công việc đơn giản mà sinh viên mới ra trường trước đây làm trong những năm đầu sự nghiệp đã bị tự động hóa và do vậy sinh viên mới ra trường phải làm những việc phức tạp hơn – điều không khả thi nếu những sinh viên này không được thực tập với công ty ngay trong những năm học đại học.
Trong thế giới ngày nay, công nghệ thay đổi rất nhanh với tốc độ cấp số nhân, bởi vậy, các kỹ năng đặc thù ngành hay công nghệ cụ thể bị khấu hao rất nhanh. Điều này đòi hỏi các trường cần chú trọng đào tạo các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh. Tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và liên tục cho mọi người.Và học qua Internet, với sự gia tăng của các nguồn tư liệu mở và các khóa học trực tuyến đại chúng quan trọng hơn nhiều so với học từ các giáo viên đại học. Tuy nhiên, đây là là yếu điểm của hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay, với một trong những minh chứng rõ nét nhất là trình độ tiếng Anh của sinh viên rất hạn chế như được phản ánh bởi điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong những năm gần đây đã lộ rõ nhiều bất cập và thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng đối với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên thực tế, với nền tảng tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các thông tin về công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất, nhu cầu về ngành, nghề, kỹ năng... và nhất là khả năng kết nối, chia sẻ trên toàn thế giới thông qua các thiết bị công nghệ... sẽ làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Tình trạng người lao động chưa có những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của việc làm hiện tại hay sau này, và có rất nhiều yếu tố khác làm hạn chế khả năng nâng cao những kỹ năng đó và thành công trong công việc. Đặc biệt, tình trạng thiếu trình độ, kỹ năng hiện nay sẽ gia tăng khi các xu hướng lớn bắt đầu có ảnh hưởng đến bức tranh việc làm. Ngay cả những lao động có kỹ năng phù hợp cũng chưa chắc sẽ tìm được những việc làm phù hợp với trình độ hay sở thích của mình. Nguyên nhân cơ bản là chưa có một điểm nào hay nơi nào để người lao động, doanh nghiệp có thể kết nối được với nhau một cách hiệu quả. Hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) hiện chưa có nhiều thông tin về việc làm để cung cấp cho người tìm việc mà các giao dịch trực tuyến cũng cung cấp những thông tin tương tự. Theo nghiên cứu của Manpower Group cho thấy hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân, trong khi ít sử dụng các nguồn thông tin rộng khắp. Các trang web tìm việc trên internet tuy đã bắt đầu xuất hiện nhưng chỉ có 2-3% số người tìm việc sử dụng những trang này. Một điều dễ nhận thấy là thanh niên thường là những người hay tìm việc qua internet nhất. Tuy vậy, ngay cả những dịch vụ tìm việc trực tiếp như các đơn vị tuyển dụng, dịch vụ của cơ sở giáo dục, dịch vụ việc làm của nhà nước cũng chỉ được sử dụng một cách không thường xuyên. Người lao động cao tuổi thường tìm đến những dịch vụ của nhà nước nhiều hơn lao động trẻ, nhưng cũng chỉ chiếm chưa đến 10% số người tìm việc ở độ tuổi từ 45 đến 65.
Như vậy vấn đề đặt ra là vai trò kết nối cung cầu lao động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần phải có những thay đổi căn bản để nâng cao hiệu quả kết nối lao động và đáp ứng yêu cầu trên thị trường lao động.
Tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến số lượng, chất lượng hay bản chất chất của việc làm hiện tại và tương lai.Và hiện nay, một lý do cơ bản là vì thiếu thông tin về cơ hội việc làm, thiếu thông tin về chất lượng người lao động, thiếu thời gian mà hạn chế lựa chọn công việc, thiếu thu nhập nên khó chuyển sang những công việc phù hợp hơn, hay một loạt những yếu tố khác dẫn đến mất cân đối giữa cung cầu trên thị trường lao động. Như vậy, làm thế nào để giải quyết vấn đề trên, đó chính là công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện công tác này ở Việt Nam còn một số khó khăn do việc phân tích dự báo thị trường lao động vẫn được coi là mới, những người làm công tác này đa số là đội ngũ cán bộ còn trẻ, ít kinh nghiệm nghiên cứu, kiến thức thực tế trong lĩnh vực lao động – việc làm và thị trường lao động. Thêm vào đó là nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác phân tích dự báo thông tin thị trường lao động chưa đồng bộ. Ví dụ như những thông tin về thực trạng lao động có kỹ năng nghề chưa mang tính hệ thống, bị chia cắt giữa các tỉnh, vùng, đơn vị; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin còn nhiều hạn chế…; các cuộc điều tra về doanh nghiệp, đặc biệt là điều tra thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp chưa thường xuyên, do nguồn kinh phí bố trí từ Chương trình mục tiêu chưa ổn định dẫn đến số liệu không theo chuỗi, một số chính sách còn hạn chế trong việc thu hút và sử dụng người có năng lực…
Có thể nói, nếu một quốc gia nào đó không có những chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động chính xác và cụ thể trong bối cảnh CMCN 4.0 thì nguy cơ bị tụt hậu là điều rất dễ xảy ra./.
Nguyễn Hữu Bắc
Từ khóa:
-
Hà Giang chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo
13-12-2024 07:01 26
-
Huyện Phong Thổ (Lai Châu): Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động
16-12-2024 16:09 58
-
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
24-12-2024 10:48 03
-
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
23-12-2024 10:15 28
-
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
22-12-2024 21:37 20
-
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
21-12-2024 19:25 34
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00