Xã hội
Thị xã Tịnh Biên: Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vươn lên thoát nghèo
10:52 AM 11/06/2024
(LĐXH) - Để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với nhiều mô hình hiệu quả phù hợp với thế mạnh, điều kiện của địa phương.
Dự án chăn nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản cho các hộ nghèo được thị xã triển khai nghiêm túc theo đúng quy định
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên đã chỉ đạo cho cơ quan quản lý dự án xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo quy định. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tham mưu xây dựng Kế hoạch số 2777/KH-UBND ngày 16/5/2024 thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; Phòng Kinh tế tham mưu Kế hoạch số 4131/KH-UBND ngày 20/7/2023 thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 3). Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, thị xã đã thành lập Tổ thẩm định hồ sơ đề xuất dự án, phương án sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn thị xã và. Nhiệm vụ của Tổ thẩm định tiến hành thực hiện thẩm định trên cả 2 dự án (Dự án 2 và Tiểu dự án 1 Dự án 3) khi có đề xuất của địa phương nơi có dự án được triển khai.
Để các Dự án thực hiện đảm bảo tiến độ, đúng theo quy định, UBND thị xã đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, quy trình tổ chức thực hiện cho các cơ quan quản lý dự án, UBND các xã, phường về nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Trong 02 năm (2022, 2023), thị xã Tịnh Biên có tổng kinh phí ngân sách nhà nước được phân bổ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo là 4,31 tỷ đồng, trong đó Dự án 2 là 2,998 tỷ đồng; Tiểu dự án 1 Dự án 3 là 1,315 tỷ đồng và vốn huy động nhân dân đóng góp là 2,394 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện các dự án là 6,707 tỷ đồng.
Tính đến nay, kết quả thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thị xã đã phê duyệt và phân bổ vốn 06 dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo cho 114 hộ, trong đó có 62 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo và 04 hộ thoát nghèo ở địa bàn 06 xã, phường: An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Hảo, Tân Lợi và Núi Voi. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng. Đến nay đã giải ngân được 4,398/4,426 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,36% so với tổng vốn thực hiện các dự án. Trong đó bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước là 2,998 tỷ đồng, đã giải ngân được 2,970/2,998 tỷ đồng, đạt 99,06%; Vốn đối ứng nhân dân là 1,428 tỷ đồng, giải ngân 1,428/1,428 tỷ đồng, đạt 100%.
Đối với Tiểu Dự án 1 (Dự án 3). Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đã phê duyệt và phân bổ vốn 03 dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo cho 50 hộ, trong đó có 22 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo và 17 hộ thoát nghèo ở địa bàn 03 xã: An Cư, Văn Giáo và An Nông. Đến nay đã giải ngân được 2,235/2,281 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97,98% so tổng vốn thực hiện.
Theo đánh giá, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn hỗ trợ về chuyên môn của các Sở, ngành, công tác triển khai, lãnh đạo của thị xã Tịnh Biên về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói chung và các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình nói riêng luôn được kịp thời. Ý thức cũng như kỹ năng sản xuất của người dân và của cộng đồng ngày càng nâng lên, quy trình thực hiện có tính khoa học, do vậy đến nay trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp nào bị rủi ro. Công tác kiểm tra, giám sát của các ngành, địa phương được thực hiện thường xuyên từ đó góp phần có hiệu quả bước đầu khi triển khai các dự án. 
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đặc biệt là đối với các dự án sản xuất cộng đồng trong thời gian tới, thị xã Tịnh Biên sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để từ đó phát huy sức mạnh nội lực, chủ động trong xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác giảm nghèo; phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng. Tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến để xây dựng cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp với thực tiễn.
Nâng cao hiệu quả điều hành thực hiện Chương trình của các ngành, địa phương, đặc biệt là trong công tác xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cụ thể, sát thực, hiệu quả. Chỉ đạo kịp thời công tác kiểm tra, giám sát các dự án đã triển khai, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc. Tăng cường công tác tập huấn và các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Hồng Phượng