Lao động
Thu nhập của người lao động Hà Nội giảm khi doanh nghiệp giảm giờ làm
11:37 AM 01/10/2023
(LĐXH)- Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động trong khu vực công nghiệp, nhất là ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm quang học…
Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp và đông công nhân, lao động, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 154 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 2,7 triệu lao động.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, 9 tháng của năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt là việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động.
Theo số liệu 5 tháng đầu năm 2023 của Bộ LĐTB&XH công bố, tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước có tới 500 nghìn lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm… Trong đó có 237 nghìn người lao động bị mất việc, thôi việc, trong đó Hà Nội có 64,6 nghìn người. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề thiếu đơn hàng diễn ra từ quý 4/2022 và tiếp tục kéo dài sang quý 2/2023. Đa số lao động mất việc chủ yếu là lao động giản đơn tập trung tại các ngành sản xuất da giày, may mặc, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ lâm sản.  
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính) vừa có báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp, nhất là ngành dệt may, da giày, điện tử. (Ảnh minh họa)
Kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Đáng chú ý, tỉ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô.
Trong số 7.333/9.556 doanh nghiệp còn hoạt động, cơ quan nghiên cứu cho biết có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.
"Có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp", Ban IV nhận định.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, từ tháng 9/2023, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trở lại. Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp, nhất là ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm quang học…
“Tình trạng lao động mất việc, ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng đã diễn ra gần 1 năm nay. Nhưng đến thời điểm hiện tại tình trạng này vẫn chưa khả quan. Việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm. Lao động phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quí 3 năm 2023 tăng so với quý trước. Điều đó cho thấy, thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững," Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh.
Qua khảo sát thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) dự báo thị trường lao động đến cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức. Tình trạng người lao động bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn được dự báo còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.
Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận tình trạng doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, giảm quy mô sử dụng lao động.
Mặc dù, tính đến tháng 9/2023 đã thực hiện vượt kế hoạch năm 2023 về giải quyết việc làm, song theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, thị trường lao động Hà Nội đã và vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao dẫn đến dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn, số lao động được tạo việc làm trong 9 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 1,7%). Vì thế, các giải pháp thúc đẩy tạo việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục được thành phố quan tâm, đẩy mạnh.
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở LĐTBXH Hà Nội tiếp tục hướng trọng tâm vào thực hiện kế hoạch của thành phố Hà Nội về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội và Kế hoạch thu thập, lưu trữ tổng hợp thông tin thị trường lao động trên lao động địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023…
Trong đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối cung cầu lao động, giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, trực tuyến tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và các sàn vệ tinh; phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, phiên giao dịch việc làm chuyên đề. Sở sẽ tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc ./.
Hải Uyên