Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Tiền lương tối thiểu ở Việt Nam luôn phù hợp với thông lệ quốc tế
(LĐXH)- Chiều ngày 20/11, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh có buổi tiếp và trao đổi với ông Negeri Lencho Bultum, Chủ tịch Ủy ban thường trực về Nguồn nhân lực, Lao động và Công nghệ, Hạ viện nước CHDC Liên bang Ethiopia nhân dịp Đoàn đến thăm và tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về thiết lập mức lương tối thiểu và nỗ lực cải thiện năng suất lao động.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm Xã hội, Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
Chủ tịch Negeri Lencho Bultum, thông tin: Đoàn công tác cấp cao của Ethiopia gồm 14 thành viên là đại diện của các cơ quan như Bộ Lao động và Kỹ năng, Bộ Kế hoạch và Phát triển, Bộ Tài chính, Hạ Viện, Văn phòng Thủ tướng, Liên đoàn Công đoàn, Liên đoàn Người sử dụng lao động của Ethiopia.
“Việt Nam là quốc gia trẻ, năng động và chăm chỉ. Nhân chuyến công tác đến Việt Nam, đoàn công tác của Ethiopia muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về thiết lập tiền lương tối thiểu, phương thức cải thiện năng suất lao động và các mối quan hệ lao động... để giúp Ethiopia vượt qua các thách thức hiện tại” - Chủ tịch Negeri Lencho Bultum, đề nghị.
Tại buổi tiếp Đoàn cấp cao ba bên của Ethiopia, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho biết: Tiền lương là vấn đề quan trọng, là thước đo lao động, là động lực cho người lao động phát huy tinh thần làm việc. Tiền lương giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước. Các nỗ lực, cam kết chính trị của Việt Nam trong cải thiện tiền lương đến nay đã thúc đẩy tiền lương tối thiểu thỏa đáng, lương thương lượng được và các định hướng trong tương lai.
“Tại Việt Nam, chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống của người làm công, hưởng lương. Việt Nam coi thực hiện chính sách tiền lương đúng sẽ trở thành động lực phát huy nhân tố con người, thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, chia sẻ.
Nhiều năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, chính sách tiền lương nói chung và tiền lương tối thiểu nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, đổi mới về quan điểm phát triển và chỉ đạo triển khai, hoàn thiện. Căn cứ các quan điểm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế thành các quy định pháp luật lao động (trong đó có chính sách tiền lương) theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là các công ước của ILO.
Quan hệ lao động và cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu được thể chế hóa tại Bộ luật Lao động năm 1994. Đây là một dấu mốc quan trọng của quá trình thể chế chính sách tiền lương theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 1994 và tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện trong Bộ luật Lao động năm 2012, năm 2019, chính sách tiền lương của Việt Nam đã hoàn thiện thể chế về cơ chế quản lý tiền lương theo nguyên tắc thị trường.
Theo đó, Bộ luật Lao động chỉ quy định những nguyên tắc chung về tiền lương để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, quyết định các mức tiền lương cụ thể dựa trên công việc đảm nhận, năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc của người lao động; phù hợp với nguyên tắc thị trường và hội nhập quốc tế. Nhà nước không can thiệp trực tiếp đến chính sách trả lương của doanh nghiệp mà chỉ quy định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ những người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, làm những công việc đơn giản. Đồng thời, tăng cường vai trò thương lượng, thỏa thuận về tiền lương thông qua việc tạo lập khung khổ pháp lý để các bên trong quan hệ lao động thương lượng về các quyền lợi cụ thể của mình cao hơn mức tối thiểu do Nhà nước quy định.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thông tin: Theo quy định tại Bộ luật Lao động từ năm 2013, loại hình lương tối thiểu là mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Tiêu chí xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Hội đồng hoạt động tập thể thông qua các phiên họp dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng thảo luận dân chủ, công khai; quyết định dựa trên biểu quyết theo đa số. Định kỳ hằng năm, căn cứ các tiêu chí điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Bộ luật Lao động và tình hình thực tế, Hội đồng khuyến nghị với Chính phủ (thay đổi hoặc giữ nguyên) mức lương tối thiểu cho năm sau trên cơ sở kết quả biểu quyết theo đa số. Hội đồng có Bộ phận kỹ thuật. Bộ phận kỹ thuật bao gồm các thành viên từ các cơ quan ba bên, Tổng cục Thống kê, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học. Bộ phận kỹ thuật giúp Hội đồng xây dựng các báo cáo kỹ thuật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.
Cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu ở Việt Nam theo hướng tích cực, dựa trên kết quả thương lượng, thỏa thuận cấp quốc gia của đối tác 03 bên. Đây là cơ chế phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các Công ước của ILO. Các khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu hàng năm đều được Chính phủ đánh giá cao và thống nhất 100% ban hành theo phương án khuyến nghị của Hội đồng, đến nay mức lương tối thiểu theo tháng đã tăng 99,1% so với năm 2013. Ban hành mức lương tối thiểu theo giờ góp phần mở rộng độ bao phủ của mức lương tối thiểu đến nhóm lao động làm việc bán thời gian, khu vực phí chính thức.
Cuối buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Hiện nay cũng như trong giai đoạn tới, tiền lương tối thiểu vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách tiền lương, là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và an sinh xã hội. Do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong thể chế tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chí Tâm
-
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
21-12-2024 19:25 34
-
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
21-12-2024 19:25 29
-
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
10-12-2024 15:55 02
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
06-12-2024 15:35 46
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
03-12-2024 15:23 59
-
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
12-12-2024 12:17 55
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00