Tiền lương của người lao động đạt trung bình 6,26 triệu đồng/người/tháng
(LĐXH)- Tổng hợp kết quả điều tra cho thấy, tiền lương của người lao động ổn định và tăng trưởng, ước thực hiện năm 2017 là 6,26 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,6% so với năm 2016.
Chiều 22/1 tại Hà Nội, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương - Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dự và chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Tống Thị Minh – Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cho biết, mặc dù mới được thành lập, song tập thể cán bộ, công chức của Cục đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2017 ở những mảng như: Nghiên cứu, đề xuất chính sách, xây dựng văn bản pháp luật; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách lao động, tiền lương, quan hệ lao động; cải cách hành chính và những hoạt động khác.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Cụ thể, Cục đã triển khai phương án điều tra lao động, tiền lương, thu nhập của người lao động của 2.000 doanh nghiệp theo 8 vùng kinh tế tại 18 địa phương có thị trường lao động phát triển, làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2018; hoạch định chính sách tiền lương và công bố trên thị trường lao động để người sử dụng lao động và người lao động thương lượng tiền lương. Tổng hợp kết quả điều tra cho thấy, tiền lương của người lao động ổn định và tăng trưởng, ước thực hiện năm 2017 là 6,26 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,6% so với năm 2016.
Cục cũng đã kiện toàn tổ chức, cơ chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia; giúp việc cho Hội đồng triển khai hoạt động năm 2017 theo kế hoạch, trong đó tổ chức 3 cuộc thương lượng, thỏa thuận và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018.
Đối với quan hệ lao động, Cục đã theo dõi, tổng hợp tình trạng tranh chấp lao động và đình công. Theo đó, trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 164 cuộc đình công, giảm 78 cuộc so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc đình công do quyền lợi và lợi ích của người lao động chưa được bảo đảm như tăng lương hàng năm, chất lượng bữa ăn tăng ca, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi… Trong năm, Cục cũng đã tổ chức triển khai thực hiện đề án Hòa giải viên lao động; kiện toàn Hội đồng trọng tài lao động theo Bộ luật lao động năm 2012...
Bầ Tống Thị Minh, cục trưởng Cục Lao động và Quan hệ tiền lương báo cáo tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương trong năm 2017. Cục đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách, xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến tiền lương. Trong năm 2017, nhiệm vụ của Cục có vai trò rất quan trọng đó là xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng cũng cho rằng, trong năm qua, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cũng triển khai rất tốt việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn, rà soát, đánh giá đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ luật Lao động 2012 thuộc lĩnh vực chuyên môn, đồng thời chuẩn bị các Nghị định triển khai thực hiện theo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi). Cục cũng kịp thời phát hiện những bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật về lao động, tiền lương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Về triển khai hướng dẫn các quy định của pháp luật lao động kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp, Cục cũng triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Về nhiệm vụ trong năm 2018, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, trong năm 2018, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cần xây dựng mối quan hệ lao động thực chất hơn, hài hòa, ổn định hơn. Xây dựng báo cáo quan hệ lao động năm 2017, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng về quan hệ lao động Việt Nam, làm cơ sở để đề ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động trong thời gian tới.
Thứ trưởng cũng lưu ý, năm 2018 liên quan đến vấn đề sửa đổi Bộ Luật lao động sẽ có rất nhiều tư tưởng mới trong cải cách chính sách tiền lương, với sự xuất hiện tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh công đoàn, nên có rất nhiều vấn đề mới phát sinh trong quan hệ lao động cần phải nghiên cứu một cách thỏa đáng.
Đồng thời, Cục cũng cần chuẩn bị các căn cứ lý luận, thực tiễn, đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2018 để phục vụ Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng, đề xuất Chính phủ về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019; nghiên cứu việc quy định mức lương tối thiểu theo giờ đối với công việc làm không trọn thời gian; triển khai đúng chất lượng, tiến độ cuộc khảo sát chuyên đề về tiền lương trong doanh nghiệp năm 2018, làm cơ sở cho điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2019.
Đối với những đề xuất của Cục, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định có liên quan đến tổ chức, cán bộ, tài chính, hành chính… nhằm đẩy nhanh công việc, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Cục./.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
21-11-2024 09:00 45
-
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
20-11-2024 14:10 55
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
06-11-2024 09:05 17
-
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
06-11-2024 09:03 05
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48