Lao động
Tọa đàm tìm hướng phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm
02:40 PM 14/08/2023
(LĐXH) - Ngày 12/8/2023, tại Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Dương phối hợp với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Tọa đàm trao đổi về phát triển hệ thống Sàn giao dịch việc làm. Tọa đàm nhằm lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp để xây dựng Sàn giao dịch việc làm trở thành “kênh” hoạt động chính thống, hỗ trợ tốt cho sự phát triển thị trường lao động ngày thêm bền vững.

Các nhà quản lý, chuyên gia tham gia giao lưu với các đại biểu

Tham dự tọa đàm, về phía Bộ LĐ-TB&XH, có ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm; ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm. Về phía địa phương, có ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương; lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Đặc biệt, buổi tọa đàm này còn có đại diện nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nguồn nhân lực và tuyển dụng lao động tham dự.

 

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương với xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, cho đến thời khắc tái lập tỉnh (01/1/1997), Bình Dương đã trỗi dậy với chủ trương đổi mới, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, Bình Dương đã thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, cùng với một nguồn lao động vô cùng dồi dào.

Với đặc điểm là một tỉnh nằm trong trục tam giác phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, trong những năm qua, Bình Dương đã tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kin doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo được nhiều việc làm cho người lao động của tỉnh và lao động đến từ các tỉnh, thành khác; kết nối, giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 35.000 lao động. 

Các đại biểu dự Tọa đàm

Ông Trịnh Đức Tài cho biết, một điểm chú ý trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương hiện nay là tỉnh rất quan tâm và theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm. “Với sứ mệnh cao cả nhằm giúp doanh nghiệp an tâm phát triển, người lao động có việc làm ổn định", việc nghiên cứu, đề ra các phương án giải quyết việc làm, kết nối doanh nghiệp và người lao động là rất cần thiết. Hơn nữa, trước những thách thức của thời đại chuyển đổi số cùng với những biến động khó lường về thị trường lao động và việc làm hiện nay thì yêu cầu về xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập đang đặt ra cho tỉnh Bình Dương. Theo đó, “phát triển hệ thống Sàn giao dịch việc làm” chính là một trong những biện pháp cần thiết, tạo tiền đề quan trọng trong chiến lược phát triển lĩnh vực lao động – việc làm của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Với ý nghĩa đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương mong muốn, tại Tọa đàm các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng phát triển Sàn giao dịch việc làm thành hệ thống, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trước những thách thức hiện nay.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/NQ- CP (NQ 06/NQ- CP), ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi kinh tế -xã hội. Một trong những thay đổi cơ bản trong NQ 06/NQ-CP của Chính phủ là công nhận thị trường lao động trong nền kinh tế. Trong đó, cần tăng cường kết nối cung – cầu lao động, phải làm sao xây dựng, thành lập Sàn giao dịch việc làm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và có hiệu quả.

 “Hiện nay, việc cung – cầu lao động, giao dịch việc làm chưa thực sự được kết nối giữa các tỉnh, thành, trung ương và địa phương. Vậy chúng ta phải xây dựng được mô hình Sàn giao dịch việc làm phải đảm bảo sự liên thông kết nối thị trường lao động giữa các tỉnh, thành trong nước và cả quốc tế, đảm bảo tính pháp lý”, ông Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm cho biết, hiện cả nước có khoảng 500 Trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động cung ứng nguồn nhân lực. Tuy nhiên,Ssàn giao dịch việc làm thời gian qua mới chỉ đáp ứng được cơ bản cung – cầu lao động; đến thời điểm này phải có đổi mới Sàn giao dịch việc làm. Sàn giao dịch việc làm phải có nhiều cái mới, thay đổi cả về hình thức và chất lượng để cung cấp cho nhiều đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, muốn phát triển thị trường lao động việc làm bền vững cần xây dựng được mô hình Sàn giao dịch việc làm phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết nối hiệu quả cung  – cầu lao động giữa các tỉnh thành, vùng miền trên cả nước; từ bước kết nối được với thị trường lao động quốc tế. Để làm được điều đó, không chỉ có nhà nước, các tỉnh, thành mà còn sự vào cuộc của cả các doanh nghiệp./.

 

Trương Đăng