Toàn xã hội tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống mua bán người
(LĐX)-Ngày 28/7, tại thành phố Sơn La, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2018 với chủ đề "Phòng, chống mua bán người thông qua di cư trái phép".
Đây là sự kiện quan trọng nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng an toàn, bền vững trong bối cảnh tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực đang trở thành vấn đề ngày càng phức tạp.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho hay, trong nhiều năm qua, các cấp hội phụ nữ trong cả nước đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Các mô hình truyền thông tại cộng đồng như chợ phiên, câu lạc bộ, tổ nhóm... được triển khai sâu rộng tại nhiều địa phương. Đặc biệt, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2016 – 2020 do Hội LHPN phối hợp với Bộ đội Biên phòng được triển khai tại 110 xã biên giới đã góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế bền vững tại quê hương, từ đó không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi làm ăn, kết hôn ở ngoài nước.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, từ năm 2011 – 2017, các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Trung bình mỗi năm, có khoảng gần 900 người bị mua bán, trong đó 92% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Tội phạm mua bán người đang xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nhất là tình trạng mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 400 vụ phạm tội, liên quan đến 500 đối tượng, lừa bán hàng ngàn nạn nhân. Nhiều nạn nhân bị đưa vào các ổ chứa mại dâm, hôn nhân cưỡng ép, lao động bất hợp pháp... không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nòi giống, lối sống, thuần phong mỹ tục, pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự và là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.
Đại biểu các Bô, ngành và tỉnh Sơn La tham gia diễu hành hưởng ứng "Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2018
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Sơn La, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, là tỉnh miền núi phía Bắc, Sơn La có 274 km đường biên giới, đây là địa bàn trung chuyển của tội phạm liên quan tới hoạt động mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em. Từ năm 2011 – 2015, các lực lượng chức năng của tỉnh Sơn La đã phát hiện 30 vụ, 58 đối tượng, giải cứu 63 nạn nhân. Từ năm 2016 – 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 27 vụ với 45 đối tượng, lừa bán 41 nạn nhân... Tình hình mua bán người tiếp tục có chiều hướng gia tăng phức tạp, vì vậy, thời gian tới, các lực lượng chức năng và mọi người dân sẽ tích cực hưởng ứng và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống mua bán người, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48 ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngoài tỉnh điều tra, xác minh, xử lý tội phạm mua bán người, kịp thời giải cứu nạn nhân và làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sớm được trở về hòa nhập cộng đồng.
Cũng tại lễ mít tinh, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Công an tỉnh Sơn La đã tham gia đối thoại về công tác phòng, chống mua bán người, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh phòng, chống tội phạm mua bán người. Đặc biệt là sự vào cuộc của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng.
Sau mít tinh, đại biểu các Bộ, ngành và các lực lượng chức năng tỉnh Sơn La tham gia diễu hành hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2018 trên một số tuyến phố của thành phố Sơn La./.
Như Ngọc
Từ khóa:
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
24-11-2024 08:01 44
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
- Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
- Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh