Xã hội
Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện
09:49 AM 18/12/2019
(LĐXH) Ngày 17-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện tại 20 địa phương trong cả nước.
Ông Trịnh Duy Chấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Trong những năm qua, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo mô hình 3 bên thông qua việc ký Hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng Lao động-Thương binh và xã hội cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã và cán bộ chi trả. Đứng trước yêu cầu về đổi mới công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo phương thức hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tạo sự minh bạch cũng như giảm tải áp lực cho cán bộ xã, phường, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện thí điểm mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện từ năm 2016. Đến thời điểm hiện tại, 20 tỉnh, thành phố đã triển khai theo mô hình này.
Mô hình chi trả này đã góp phần giảm công việc cho cán bộ chi trả xã, phường; đáp ứng kịp thời việc nghiên cứu, hướng dẫn chế độ chính sách; đẩy nhanh tiến độ xác lập hồ sơ đối tượng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ kịp thời, chặt chẽ; góp phần cải cách thủ tục hành chính và tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Đối với công tác tài chính, mô hình chi trả này đã tách bạch trong việc chi trả và tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, tránh được những rủi ro có thể xảy ra, trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan lao động quản lý, công tác an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp, nguồn tiền chi trả được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn.
Đánh giá mức độ hài lòng về kết quả thí điểm, hầu hết người thụ hưởng đều đánh giá thời gian chi trả đảm bảo. Các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh có 99 - 100% ý kiến đánh giá thời gian chi trả đảm bảo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ đánh giá chưa cao như: Bắc Kạn, Sóc Trăng, Hưng Yên. Nguyên nhân do một số đơn vị chưa xác định được lịch chi trả để bưu điện thông báo đến người hưởng.
Theo đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hằng tháng, bưu điện đã tổ chức 3.592 điểm chi trả trên tổng số 2.703 xã, phường, bố trí 3.242 nhân viên chi trả để thực hiện chi trả cho gần 360.000 người hưởng với số tiền hơn 620 tỷ đồng. Việc chi trả đáp ứng được các yêu cầu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là chi trả đúng đối tượng, chi đủ số tiền, đúng thời gian quy định, đảm bảo an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm. Công tác triển khai được ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cho việc khai thác và quản lý an toàn, nhanh chóng, mang lại hiệu quả cho các bên và đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Cũng theo ông Trịnh Duy Chấn, trong thời gian tới, cơ quan bưu điện tiếp tục thực hiện mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện tại 20 địa phương đang thực hiện thí điểm đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mô hình quản lý, chi trả trợ cấp mới (trong năm 2020). Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công gắn với thực hiện chính sách; có các giải pháp tổng quát, toàn diện khắc phục ngay những tồn tại trong công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công ngay trong năm 2020.
Đặc biệt, cơ quan bưu điện cần phối hợp kiểm tra, làm rõ các trường hợp chậm lĩnh từ 3 tháng trở lên, chú ý các trường hợp chưa nhận trợ cấp để có giải pháp xử lý kịp thời và trong tháng 12 hàng năm phải thực hiện chi trả hết cho các đối tượng, đảm bảo thủ tục, thời gian thanh quyết toán theo quy định.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, qua 3 năm triển khai thí điểm, phương thức chi trả qua bưu điện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tiến trình cải cách thể chế, bộ máy quản lý, tăng cường dịch vụ sự nghiệp công; giảm tải áp lực công việc cho công chức ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; đảm bảo an toàn về quản lý tiền chi trả trợ cấp, quy định trách nhiệm bồi hoàn của cơ quan bưu điện khi có thất thoát; tách bạch giữa công tác quản lý, xác lập đối tượng với công tác chi trả, phòng ngừa khả năng trục lợi trong quá trình chi trả; đối tượng hưởng nhiều loại trợ cấp (hưu trí, người có công) không phải đi lại nhiều lần...
Tuy nhiên, phương thức này vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Cơ quan bưu điện mới chỉ thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên, các chế độ ưu đãi khác vẫn do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện; cán bộ chi trả của bưu điện chưa am hiểu sâu về chính sách nên không giải đáp được các vướng mắc của đối tượng…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục mở rộng việc thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện tại nhiều địa phương khác trong cả nước trong thời gian tới.
Thảo Lan
Từ khóa: