Lao động
TPHCM: Doanh nghiệp cần tuyển thêm hơn 80 ngàn chỗ làm việc mới
06:31 PM 09/10/2024
(LĐXH) - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, Trong quý III năm 2024, Trung tâm đã khảo sát nhu cầu nhân lực của hơn 19.400 lượt doanh nghiệp với nhu cầu cần tuyển dụng gần 72 ngàn lượt chỗ làm việc. Trong tình hình kinh tế trong nước cũng như TPHCM trên đà phục hồi mạnh, dự báo quý IV/2024 các doanh nghiệp cần từ 78.120 – 83.328 chỗ làm việc.

TPHCM: Doanh nghiệp cần tuyển thêm hơn 80 ngàn chỗ làm việc

 Những nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: Công nghiệp trọng điểm cần từ 12.023 - 12.824 chỗ làm việc, chiếm 15,39% (trong đó, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,87%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,12%; ngành cơ khí chiếm 6,67%).

 Nhu cầu nhân lực nhóm ngành dịch vụ chủ yếu: Cần khoảng từ 47.583 - 50.755 chỗ làm việc, chiếm 60,91%, trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 25,24%; vận tải, kho bãi, chiếm 2,04%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 3,74%; thông tin và truyền thông chiếm 4,17%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 4,91%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 10,56%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 6,82%; giáo dục và đào tạo chỗ làm việc, chiếm 2,19%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 1,24%.

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo cần khoảng từ 68.324 - 72.879 chỗ làm việc, chiếm 87,46% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,66%; cao đẳng chiếm 22,56%; trung cấp chiếm 24,77%; sơ cấp chiếm 19,47%. Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông cần khoảng từ 9.796 - 10.449 chỗ làm việc, chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,54% tổng nhu cầu nhân lực.

Để thị trường cung – cầu lao động trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển và đi vào ổn định, dại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, khuyến nghị: Các cơ sở giáo dục đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tận dụng tốt thời cơ dân số vàng. Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và đa dạng hoá phương thức đào tạo, hình thức đào tạo. Chú trọng đào tạo những kỹ năng nghề và kỹ năng mềm; tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa công tác giáo dục đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động; tăng cường hợp tác với các trung tâm dịch vụ việc làm, phổ biến thông tin và tạo điều kiện cho học viên tham gia các sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng.

Về phía doanh nghiệp, cũng cần tiếp tục xây dựng kế hoạch và phối hợp để triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, kỹ năng mềm phù hợp với từng loại lao động (lao động quản lý, lao động gián tiếp, lao động trực tiếp) theo từng ngành và trình độ phù hợp với phương hướng phát triển của doanh nghiệp cũng như yêu cầu của thị trường lao động. Cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp, đảm bảo sinh viên ra trường có thể hội nhập và tham gia vào thị trường lao động.

Cùng với đó, người lao động, cần chủ động trang bị các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm gắn với vị trí việc làm và cần có đạo đức, thái độ làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, để đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ hội nhập và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, người lao động cần tích cực học tập, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chủ động cập nhật các công nghệ mới.

Khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm, người lao động cần tìm đến những đơn vị uy tín nhằm tránh trở thành nạn nhân của vấn nạn lừa đảo. Người lao động có thể liên hệ các tổ chức hoạt động giới thiệu việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan nhà nước sau: Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố; Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên; Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân Thành phố;… hoặc truy cập trực tiếp vào cổng thông tin điện tử của các doanh nghiệp. 

Trương Đăng