PV- Xin ông cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Thành phố đã có bao nhiêu doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải cho người lao động nghỉ việc, giảm giờ làm?
Ông Lê Minh Tấn: Khảo sát nhu cầu nhân lực từ 16.778 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong Quý III/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có 69,61% doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực: Bán buôn, sản xuất trang phục, dệt may, sản xuất, chế biến thực phẩm, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải, dịch vụ ăn uống sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, hoạt động xây dựng chuyên dụng, kinh doanh bất động sản… Khảo sát này cũng cho biết, tuy gặp khó khăn nhưng phần lớn doanh nghiệp (hơn 63%) vẫn bảo đảm việc làm bình thường cho người lao động. Chỉ có khoảng 14,7% doanh nghiệp trên tổng số các doanh nghiêp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 phải cắt giảm giờ làm việc của người lao động; 4,9% doanh nghiệp có tình trạng thiếu việc làm và 4,9% doanh nghiệp phải cho người lao động thôi việc.
Một tín hiệu đáng mừng, đến nay thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn đã từng bước khắc phục khó khăn hoạt động bình thường trở lại. Dự báo thị trường lao động trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, nhu cầu nhân lực Quý IV năm 2020 cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc. Những ngành nghề cần nhân lực tập trung ở các nhóm: Kinh doanh - thương mại; Dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; Chế biến lương thực - thực phẩm; Dịch vụ phục vụ; Công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông; Điện - điện tử - điện lạnh; Dịch tư vấn chăm sóc khách hàng; Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,26% (Đại học chiếm khoảng 20%; Cao đẳng chiếm 20% và Trung cấp chiếm 31%, Sơ cấp chiếm 14,26%).
PV - Mặc dù diễn biết dịch bệnh Covid-19 đã tương đối ổn định, nhưng dự báo thời gian tới doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, người lao động thiếu việc làm. Vậy, Sở LĐ-TB&XH TP đã có kế hoạch và định hướng gì hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp?
Ông Lê Minh Tấn: Trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thành phố (Sở LĐ-TB&XH) đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 158.431 người. Trong đó, 149.795 người đã có quyết định. So với cùng kỳ năm 2019, số lượng tiếp nhận hồ sơ tăng 24,4% với 31.076 người, số có quyết định tăng 28.702 người. Để hỗ trợ kịp thời cho người lao động, đến thời điểm này các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đã tham gia giải quyết việc làm cho 253.365 lượt người trên tổng số 300.000 lượt người (đạt 84,45% kế hoạch năm 2020). Trong đó, từ tháng 6 đến nay đã giải quyết cho 133.722 lượt người.
Người lao động đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH TP tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính khi người lao động đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP tập trung hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động gặp khó khăn, mất việc làm có cơ hội tìm được công việc khác. Trong đó, ưu tiên người lao động bị mất việc, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, đề nghị các Trung tâm dịch vụ việc làm công lập trên địa bàn mở rộng hệ thống thông tin thị trường lao động, tích cực quan hệ tìm kiếm nhu cầu tuyển dụng lao động trong các thành phần kinh tế và nhu cầu nhân lực các tỉnh, thành phố phía Nam (thông qua kết nối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh). Trong đó, chú trọng nhu cầu tuyển dụng lao động từ các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, thương mai điện tử, dịch vụ giao nhận hàng hóa, chế biến nông nghiệp, thủy sản và lương thực thực phẩm.
Song song đó, Sở LĐ-TB&XH TP sẽ đẩy mạnh hoạt động duy trì việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp, thông qua các biện pháp hỗ trợ của thành phố đối với những doanh nghiệp; Tổ chức đối thoại xã hội giữa người lao động với doanh nghiệp; doanh nghiệp và người lao động với cơ quan nhà nước để tìm ra các biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, việc làm.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về gói chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động. Giải pháp này nhằm mục đích giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ưu đãi để có thêm nguồn trả lương, giúp họ duy trì và khôi phục dần hoạt động sản xuất kinh doanh, như vậy mới giữ được việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động.
Ngoài ra, Sở sẽ kết nối hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ xoá đói giảm nghèo, Tổ chức tài chính vi mô CEP… để chuyển đổi công việc, học tập nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm… giúp tạo niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ, thành phố đang thực hiện.
Ngoài ra, những tháng cuối năm Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để thuận tiện cho người lao động khi thực hiện giao dịch; Thực hiện các chính hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn và theo thực tế nhu cầu của người lao động, nhu cầu việc làm.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP đẩy mạnh công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động.
Sở LĐ-TB&XH TP đã tiếp tục có công văn đề nghị Thường trực UBND TP xem xét, có ý kiến thực hiện chi hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa. Vậy, ông cho biết, có bao nhiêu người lao động sẽ được nhận được tiền hỗ trợ trong đợt này?
Ông Lê Minh Tấn: Sở LĐ-TB&XH TP đã có báo cáo trình Ủy ban nhân dân thành phố việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động tự do bị mất việc gặp khó khăn do dịch Covid-19 từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. Dự kiến gói hỗ trợ này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 27 ngàn người, với kinh phí dự kiến là 27 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này đã được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố thống nhất chủ trương và Sở đã trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định để triển khai. Chính sách bổ sung này của thành phố sẽ góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay.
Cảm ơn ông!
Đăng Hải ghi
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48