Lao động
TP.HCM: Phê duyệt “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn giai đoạn 2023-2025
02:12 PM 29/05/2024
(LĐXH) - UBND TP.HCM vừa phê duyệt “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 của TP.HCM. Qua đó, nhằm xác lập các giải pháp căn cơ, bền vững cho thị trường lao động TP.HCM theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang và sẽ định hình thị trường lao động và các ngành nghề trong vài thập kỷ tới.

TP.HCM Phê duyệt “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn giai đoạn 2023-2025

Theo Chiến lược, TP.HCM xác định 8 lĩnh vực trọng tâm phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới bao gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - ô tô, cơ điện tử - tự động hóa (gồm kỹ thuật tay máy - người máy; công nghệ robot, robot di động, công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động, tự động hóa công nghiệp; kỹ thuật điện tử, kỹ thuật cơ điện tử, điện tử công nghiệp, kỹ thuật điện công nghiệp - dân dụng, kỹ thuật lắp đặt điện, điều khiển công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí), kế toán - tài chính - ngân hàng - quản trị doanh nghiệp, logistics, chăm sóc sức khỏe, du lịch và lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị.

Cùng với đó, có 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa cao su, chế biến lương thực thực phẩm. Đặc biệt, trong Chiến lược này TP.HCM xác định 9 nhóm ngành nghề công nghệ sẽ phát triển và cần nhiều nhân lực trong tương lai gồm: internet di động (mobile internet), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence), công nghệ tài chính (fintech), internet kết nối vạn vật (IoT), người máy tiên tiến (advanced robotics), sản xuất bồi đắp (Additive manufacturing), công nghệ bán dẫn.

Cùng với đó, ở mảng việc làm xã hội cũng đang là ưu thế của thành phố khi vừa vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số xanh (PGl). Đặc biệt, thành phố là vùng đất hội tụ nhiều điểm mạnh như lực lượng lao động dồi dào, đa dạng; có hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo nghề tốt, chất lượng; có nhu cầu lao động rất lớn; có vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao lưu quốc tế, sức hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư, lao động trình độ cao. Bên cạnh đó, là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế do TP.HCM có khả năng thu hút đầu tư từ nhiều quốc gia; tiếp cận khoa học công nghệ và các khuynh hướng công nghệ mới; ưu đãi về chính sách… Thông qua chiến lược việc làm xanh, thành phố sẽ vừa mở rộng liên kết vùng - khu vực đồng thời gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Song song đó, trong Chiến lược cũng có những khó khăn được TP.HCM đặt ra như: Các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu; sự cạnh tranh gia tăng với thị trường nội địa, những trung tâm công nghiệp, kinh tế mới nổi đang dần bắt kịp thành phố về phát triển kinh tế; biến động về nguồn lao động nhập cư; biến động về tình hình thế giới và các yếu tố tác động khác…

Trương Đăng