Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhấn mạnh, sự kiện là cơ hội để doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cùng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy giải pháp tạo nguồn lao động và đưa người lao động Việt Nam nói chung và TPHCM đi làm việc tại nước ngoài.
Theo ông Lê Văn Thinh, đi làm việc ở nước ngoài không chỉ là cơ hội để nhiều lao động khó khăn thoát nghèo, tăng thu nhập mà còn học hỏi được thêm kinh nghiệm, kỹ năng làm việc trong môi trường công nghiệp ở các nước có trình độ sản xuất tiên tiến. Với vốn kiến thức, kỹ năng học được khi trở về góp phần phát triển kinh tế gia định, xây dựng kinh tế địa phương, đất nước. Theo đó, ông đề nghị các đại biểu dự tọa đàm, có những ý kiến đóng góp thiết thực, cả về khó khăn và kinh nghiệm thực tế để công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước được tốt hơn.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Thông tin tại tọa đàm, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn TPHCM có 56 doanh nghiệp và 16 chi nhánh tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bà Tới cho biết, tính từ năm 2013 đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa 81.804 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, lao động có hộ khẩu thành phố là 13.453 người, chiếm tỷ lệ 16,45%.
Các doanh nghiệp tập trung đưa người lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản (tổng số lao động 52.114 người, chiếm tỷ lệ 63,71%); Đài Loan (Trung Quốc ) với tổng số lao động 16.538 người, chiếm tỷ lệ 20,22%; Hàn Quốc với tổng số lao động 3.757 người, chiếm tỷ lệ 4,59%... Lao động làm các ngành nghề như: sản xuất chế tạo, dệt - may mặc, chế biến thực phẩm, thủy sản, lắp ráp điện tử, xây dựng, thuyền viên và điều dưỡng.
Theo bà Lượng Thị Tới, trong quá trình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp có nhiều phương thức tạo nguồn lao động, tuy nhiên mang đến hiệu quả nhất là “Công tác kết nối của địa phương và các sở, ban, ngành”. Mặt khác, các doanh nghiệp chú trọng hoạt động kết nối với các trường nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm công lập để tuyển chọn và đào tạo lao động, giải pháp này cũng mang lại nguồn lao động tốt cho doanh nghiệp để đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM phát biểu tại tọa đàm
Tham dự phát biểu tại tọa đàm, ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết, từ năm 2020 đến ngay, chính quyền Cần Thơ ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Theo ông Dưỡng, đến nay, 100% người lao động tại Cần Thơ đều được thành phố hỗ trợ chi phí ban đầu cũng như vay vốn ưu đãi để đóng phí đảm bảo trước khi ra nước ngoài làm việc. “Hoạt động này trước đây chủ yếu để doanh nghiệp tự làm, cơ quan nhà nước chỉ nắm thông tin. Nay Cần Thơ giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước phối hợp doanh nghiệp để làm, chứ không để doanh nghiệp tự bơi”, ông Dưỡng chia sẻ.
Theo ông Dưỡng, dân số Cần Thơ trẻ, nhiều lao động trẻ nên đáp ứng tốt cho nhu cầu đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, hằng năm Cần Thơ còn có vài chục ngàn thanh niên ở các tỉnh xung quanh đến thành phố học tập, đây cũng là nguồn cung lớn cho nhu cầu đưa lao động ra nước ngoài. Tuy nhiên, để tạo nguồn lao động tốt hơn, vẫn rất cần có những chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động được học nghề, học ngoại ngữ trước khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.
“Muốn được vậy thì phải có quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước và cả doanh nghiệp. Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động này thì mới làm được..”, ông Dưỡng nói.
Tham gia ý kiến, bà Lê Thị Trúc Ly, Phó Tổng giám đốc Công ty Esuhai cho biết, các quốc gia phát triển hiện nay có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao tăng nhanh. Trong khi đó, TPHCM là địa phương có trình độ đào tạo lao động chất lượng cao nên nguồn cung rất dồi dào. Tuy nhiên, thành phố chưa phát huy được hết tiềm năng của mình. Vì vậy, các cơ quan nhà nước nên điều chỉnh cách truyền thông và các chính sách hỗ trợ cho hoạt động này.
Bà Lê Thị Hồng Thúy, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Củ Chi thông tin, từ năm 2020-2023, Củ Chi có 1.022 lao động được đưa đi nước ngoài làm việc; riêng trong 9 tháng đầu năm 2024 có 299 người.
Theo bà Thúy, hoạt động tư vấn chính sách đưa người lao động đi nước ngoài làm việc được huyện Củ Chi triển khai chủ yếu tại các sàn giao dịch việc làm do các đơn vị nhà nước tổ chức và đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, còn được sự hỗ trợ của các phòng, ban chuyên môn của ngành lao động thành phố trong thông tin tuyển dụng, kết nối doanh nghiệp, tư vấn chính sách cho chính quyền địa phương.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ quốc tế VCONNECT đưa ra câu hỏi tại sao công tác đưa lao động ra nước ngoài làm việc luôn được TPHCM ưu tiên nhưng số lượng đi ít hơn nhiều so với các tỉnh thành khác. Đồng thời, bà khẳng định nguyên nhân chính là nhu cầu của người lao động.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ quốc tế VCONNECT đưa ra câu hỏi, tại sao công tác đưa lao động ra nước ngoài làm việc luôn được TPHCM ưu tiên nhưng số lượng đi ít hơn nhiều so với các tỉnh thành khác.
Theo bà Vân, nhu cầu của người lao động tại thành phố bây giờ không phải là xóa đói giảm nghèo mà là làm giàu và định cư. Chúng ta cần xác định rõ nhu cầu của người lao động để có định hướng phù hợp. Theo bà Vân: Để đẩy mạnh vấn đề tạo nguồn, nên nhìn nhận nhu cầu của 2 phía. Từ phía người lao động và phía các nước tiếp nhận lao động. Nếu 2 bên phù hợp với nhau thì việc xúc tiến kết nối của chính quyền và doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Còn bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Haio Education đưa ra khó khăn trong thực tế nhiều doanh nghiệp gặp phải. Theo bà Hạnh, nhiều doanh nghiệp hoạt động chính thống, có giấy phép, tuân thủ pháp luật lại khó khăn hơn các doanh nghiệp không phép làm ẩu, làm mọi cách để tìm nguồn lao động. “Nỗi đau của những công ty có giấy phép này chính thức là thiếu nguồn nên phải nhờ các công ty không phép cung cấp nguồn. Bởi họ có nhiều chân rết, tìm kiếm nguồn nhanh. Tuy nhiên, nếu thông qua họ thì chi phí đội lên, thiệt thòi cho người lao động”, bà Hạnh nói.
Theo đó, đại diện Haio đề nghị nếu các doanh nghiệp nếu có cùng tiêu chuẩn, tiêu chí đào tạo, tầm nhìn thì liên kết với nhau, chia sẻ thông tin nguồn lao động để phát triển lĩnh vực này. Trong đó, đặc biệt quan trọng là đầu mối từ Sở LĐ-TB&XH. Sở có thể dẫn đầu, tạo ra sáng kiến để liên kết các doanh nghiệp có chung tầm nhìn để phát triển lĩnh vực này phát triển bền vững.
Các đại biểu tham gia ý kiến
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty nhân lực AKANE góp ý về 3 vấn đề, trong đó ông nhấn mạnh về quy định kinh phí hỗ trợ học tập. Theo ông vấn đề này hiện nay chỉ giải quyết khi người lao động có visa, tức là giai đoạn cuối rồi. Trong khi đó, họ mất ít nhất 6 tháng học tập tập trung ở các thành phố lớn, nhiều người lao động không đủ tài chính. Theo đó, ông đề nghị nên có quy định hỗ trợ trước một phần chi phí cho người lao động. Bên cạnh đó, TPHCM cần mở rộng tầm nhìn, không phải người lao động TPHCM là phải có hộ khẩu tại thành phố mà là người Việt Nam đang sống và làm việc tại thành phố đều được hưởng các chính sách hỗ trợ của TPHCM...
Các đại biểu tham gia ý kiến
Phát biểu kết luận, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, Tọa đàm có 84 cơ quan đơn vị tham dự với 15 lượt người phát biểu, điều đó cho thấy công tác này được rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. “Tôi rất đồng tình với ý kiến của các đại biểu, trong đó đặc biệt quan tâm đến hoạt động tạo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng thị trường các nước tiên tiến”, ông Thinh nhấn mạnh.
Ông Thinh cho biết thêm, Sở LĐ-TB&XH TPHCM vừa tham mưu cho thành phố ban hành chiến lược với mong muốn có thể tạo nên nguồn nhân lực đã qua đào tạo, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố từ nay đến năm 2035.
Mục tiêu của chiến lược này là tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập để làm vốn về nước làm ăn. Đặc biệt là có kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ qua quá trình đào tạo, làm việc ở nước ngoài; cuối cùng là có kiến thức làm việc theo tác phong công nghiệp. Do đó, nếu người lao động trở về mà không được tiếp tục làm những công việc với kỹ năng họ đã học, phát huy ngành sản xuất trong nước thì rất đáng tiếc.
Ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh, doanh nghiệp đưa lao động đi cũng phải có trách nhiệm trong chuyện này. “Doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tham gia quản lý lao động mình đưa đi. Không phải mình đưa đi xong rồi là hết. Doanh nghiệp đưa đi phải có trách nhiệm đưa người lao động trở về. Khi đó người lao động sẽ là những tuyên truyền viên tốt nhất, tiếp tục lan tỏa ra xã hội để doanh nghiệp tạo nguồn lao động”, ông Thinh nói. Đồng thời, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh, cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất cho những doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có lợi cho xã hội./.
Trương Đăng
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48