Xã hội
Trung tâm CTXH Thái Nguyên: Thí điểm mô hình “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2018”
01:54 PM 12/11/2016
(LĐXH) Trong cuộc sống công nghiệp hiện đại ngày nay, số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí ngày càng có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
 Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh thì hoạt động trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng và gia đình cũng có vai trò đặc biệt quan trọng
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các chứng bệnh tâm thần phổ biến, bao gồm cả mức độ nặng và nhẹ. Một số nhà chuyên môn ước tính, số người Việt Nam bị tâm thần có thể lên đến 1/5 dân số, thậm chí tỷ lệ này có thể còn cao hơn. Cũng theo nhiều nhà chuyên môn, tình trạng người bệnh không biết mình có bệnh, giấu bệnh hay chỉ tìm đến bệnh viện khi bệnh đã ở mức độ nặng là rất phổ biến. Còn tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay chưa có một thống kê chính xác nào về số lượng đối tượng có vấn đề sức khỏe tâm thần và sự quan tâm của người dân về căn bệnh này cũng chưa nhiều. Số người có vấn đề sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí được tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng tại cộng đồng hiện rất ít do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Lao động- TBXH và ngành Y tế, chưa hình thành được mạng lưới cán bộ công tác xã hội. Mặt khác, số lượng thuốc và chủng loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân tại cộng đồng không đủ và đảm bảo, nhiều người không có khả năng tài chính để điều trị tại các cơ sở y tế nên dẫn đến mắc bệnh mãn tính. Do nghề công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa phát triển nên đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu dẫn đến hiệu quả hoạt động phục hồi chức năng chưa cao. Tại các địa bàn thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở y tế chưa phát triển đầy đủ nên việc chăm sóc sức khỏe người tâm thần chưa được quan tâm, thường bỏ mặc cho gia đình và đối tượng.
Thực hiện Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020”, được sự quan tâm hỗ trợ của Cục Bảo trợ xã hội, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, Sở Lao động - TBXH tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2018” và giao cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh làm đầu mối chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình. Mục tiêu chính của mô hình là nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng tăng cường công tác phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Kim Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về quá trình triển khai dự án
Thông qua việc triển khai thí điểm mô hình sẽ cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần và gia đình như: Tư vấn, hỗ trợ các vấn đề có liên quan đến việc phát hiện, chăm sóc, quản lý người bệnh tại gia đình, cộng đồng. Thí điểm mô hình lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần với hệ thống dịch vụ xã hội tại cộng đồng, bao gồm: Sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp tâm lý, hỗ trợ và điều trị trầm cảm dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ các nhu cầu cần thiết để chăm sóc tốt cho chính những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người trầm cảm; nâng cao nhận thức về chăm sóc dự phòng cho nhóm người có dấu hiệu bệnh trầm cảm và rối nhiễu tâm trí; thiết lập một hệ thống chuyển gửi, trao đổi thông tin giữa các dịch vụ xã hội thuộc Sở Lao động - TBXH và các dịch vụ sức khỏe tâm thần trực thuộc ngành Y tế.
Bà Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là đơn vị chủ trì đóng vai trò điều phối các hoạt động của dự án. Trung tâm đã tham mưu với Sở Lao động – TBXH xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mô hình; tiến hành khảo sát lựa chọn địa bàn tổ chức thực hiện, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, phát hiện, theo dõi và quản lý người bị rối nhiễu tâm trí, người bệnh trầm cảm tại cộng đồng; tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về các biểu hiện, nguyên nhân và ảnh hưởng của bệnh trầm cảm đến sức khỏe và cuộc sống của họ, đồng thời khuyến khích người dân tham gia sàng lọc, phát hiện sớm và hỗ trợ kiểm soát bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và thân nhân của họ tại gia đình và cộng đồng; thực hiện vai trò chủ đạo trong nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh, điều phối các hoạt động của nhóm và chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo về kỹ thuật thực hiện mô hình.
Về quy trình tổ chức thực hiện thí điểm mô hình Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng bao gồm các bước chính như: Khảo sát lựa chọn địa bàn thực hiện; tập huấn trang bị kiến thức cho các thành viên nhóm kỹ thuật tuyến tỉnh, đội ngũ cán bộ y tế xã/phường, cán bộ Lao động – TB&XH cấp xã/phường, cộng tác viên y tế của thôn/xóm/khu phố. Tiếp đến, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao mắc trầm cảm tại các trạm y tế xã, phường thuộc dự án thông qua việc sử dụng công cụ tiêu chuẩn phiếu SRQ20. Các cộng tác viên y tế, công tác xã hội tại các thôn, xóm thực hiện vãng gia để sàng lọc đối tượng trong nhóm có nguy cơ cao như: Người nhiễm HIV, bà mẹ sau khi sinh con, người bệnh tiểu đường và các bệnh lý khác, nhóm người nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người trong gia đình có bạo lực,... Sau khi sàng lọc bằng phiếu SRQ20, những trường hợp có điểm số trầm cảm từ 8 điểm trở lên thì đều được đánh giá sâu bằng phiếu WHODAS, trên cơ sở đó thực hiện giáo dục tâm lý cho bệnh nhân và trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về chứng bệnh trầm cảm; phân loại bệnh nhân và cung cấp thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng; kết nối chuyển gửi bệnh nhân vừa và nhẹ cho cộng tác viên y tế, cộng tác viên công tác xã hội tại thôn, xóm, tổ dân phố thực hiện hướng dẫn bệnh nhân và gia đình cách tự kiểm soát trầm cảm. Những trường hợp trầm cảm nặng sẽ chuyển gửi đến Trung tâm Công tác xã hội hoặc Bệnh viện Tâm thần tỉnh để kịp thời can thiệp, tư vấn, trị liệu kết hợp với điều trị bằng thuốc.
Cùng với đó sẽ hướng dẫn người bệnh kiểm soát trầm cảm thông qua việc đánh giá tình trạng bệnh nhân, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng sổ tay kiểm soát trầm cảm tại gia đình; hướng dẫn gia đình người bệnh hỗ trợ bệnh nhân sử dụng sổ tay kiểm soát trầm cảm; lập hồ sơ quản lý, theo dõi bệnh nhân định kỳ. Cuối cùng, cán bộ trạm y tế đánh giá lại bệnh nhân sau thời gian thực hiện biện pháp kiểm soát trầm cảm dưới sự giám sát của nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh.
Trên cơ sở khảo sát một số địa phương trong tỉnh, Trung tâm đã lựa chọn 4 địa bàn trọng điểm là phường Thắng Lợi và xã Tân Quang (thành phố Sông Công) và xã Động Đạt, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương) để thực hiện thí điểm mô hình, với thời gian triển khai thực hiện từ tháng 7/2016. Đây là các địa bàn tập trung đông dân cư, nhu cầu trợ giúp xã hội cao và qua khảo sát có nhiều đối tượng có nhu cầu can thiệp, chăm sóc, tư vấn điều trị về sức khỏe tâm thần. Đến nay, sau 4 tháng thực hiện thí điểm mô hình, kết quả bước đầu đã sàng lọc được 1.186 phiếu SRQ 20, trong đó 60 người có điểm số trầm cảm từ 8 điểm trở lên và đều được kiểm tra, đánh giá bằng phiếu WHODAS 2.0. Trong đó, tại xã Yên Lạc sàng lọc 362 phiếu SRQ 20, 19 phiếu có điểm số trầm cảm; xã Động Đạt sàng lọc 222 phiếu SRQ 20, 7 phiếu có điểm số trầm cảm; xã Tân Quang sàng lọc 292 phiếu SRQ 20, 15 phiếu có điểm số trầm cảm; phường Thắng Lợi sàng lọc 310 phiếu SRQ 20, 19 phiếu có điểm số trầm cảm. Những trường hợp sau khi sàng lọc bằng phiếu SRQ 20 nếu phát hiện có điểm số trầm cảm từ 8 trở lên đều được sử dụng phiếu WHODAS để kiểm tra lại và được hướng dẫn kiểm soát trầm cảm.
Cũng theo bà Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, đa phần các đối tượng có vấn đề sức khỏe tâm thần đều có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại làm tăng áp lực cho các cá nhân, gia đình, cộng với những vấn đề xã hội khác đã làm gia tăng tình trạng bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí, điều này đã gây trở ngại rất lớn đến các chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Đây là một vấn đề lớn đang đặt ra những khó khăn, thách thức cho lĩnh vực công tác xã hội của tỉnh.Trong quá trình hoạt động, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên cũng đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực công tác xã hội với người tâm thần, là một trong những chương trình được đơn vị quan tâm hàng đầu. Trong năm 2015, Trung tâm đã triển khai thành công Dự án “Sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn, hỗ trợ điều trị cho người bệnh trầm cảm tại cộng đồng” và trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2016, Trung tâm tiếp tục được Cục Bảo trợ xã hội; Viện Dân số - Sức khỏe và phát triển; Sở Lao động - TBXH giao chủ trì thực hiện thí điểm mô hình “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 -2018”. Với những kết quả bước đầu rất đáng mừng trong việc triển khai các mô hình thí điểm này, Trung tâm dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chăm sóc, trợ giúp người bị trầm cảm đến nhiều địa bàn khác trong toàn tỉnh. Nhưng khó khăn, hạn chế lớn nhất hiện nay là về kỹ năng, kinh nghiệm trong sàng lọc, trị liệu, làm việc với đối tượng mắc các chứng rối loạn tâm thần của đội ngũ cán bộ, nhân viên.
"Sức khỏe tâm thần" là yếu tố căn bản cho một đời sống cá nhân hạnh phúc, một xã hội dân chủ, bền chặt và phát triển. Sức khỏe tâm thần không chỉ là vấn đề của giới bác sĩ hay giới tâm lý học mà còn có cả trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng tham gia và trên hết là nhận thức của người dân. Hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành và sự cố gắng nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, mô hình thí điểm “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 -2018” sẽ thành công và được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế thấp nhất số lượng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
Đỗ Thị Phượng
 
Từ khóa: