Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định: Nỗ lực tư vấn giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định đã nỗ lực trên mọi mặt trận, từ phân tích khảo sát thị trường lao động đến tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm, quyết tâm xóa bỏ nạn thất nghiệp và hỗ trợ việc làm tối đa cho người lao động.
Người lao động tư vấn việc làm, học nghề tại Trung tâm
Nam Định là một tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích 1.669 km2, dân số là hơn 1,9 triệu người. Thành phố Nam Định từng là một trong những trung tâm công nghiệp dệt của cả nước và trung tâm thương mại- dịch vụ, cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng. Toàn tỉnh có 01 thành phố và 9 huyện, có 12 khu công nghiệp, 17 cụm công nghiệp, 87 làng nghề, trong đó ngành Công nghiệp, Xây dựng chiếm 35%; ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp chiếm 21,5%; ngành Dịch vụ chiếm 41,5%. Tính đến tháng 12/2018, tỉnh Nam Định có 4.274 doanh nghiệp với 161.643 người lao động phân bổ trên toàn tỉnh. Xác định công tác giải quyết việc làm có vai trò quan trọng, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung cầu lao động và phát triển thị trường lao động.
Tiếp tục phát huy những thành quả tích cực đã đạt được trong năm 2018, trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã có những chuyển biến vượt bậc. Tư vấn việc làm và học nghề cho 32.943 lượt người, tương ứng 411,8% so với kế hoạch, thực hiện giới thiệu việc làm cho 2.247 lao động (trong đó, giới thiệu việc làm trong nước cho 2.022 lao động và giới thiệu việc làm ngoài nước cho 225 lao động), vượt xa so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc vẫn đang là thị trường nóng về nhu cầu lao động. Do đó, để giải quyết việc làm ngoài nước, Trung tâm đã tư vấn học tiếng Hàn Quốc cho người lao động có nhu cầu và hướng dẫn đăng ký dự thi tiếng Hàn Quốc cho 293 lao động trong đó: 260 lao động đăng ký ngành sản xuất chế tạo, 20 lao động đăng ký ngành ngư nghiệp,13 lao động đăng ký ngành xây dựng.
Để đạt được kết quả này, công tác thu thập, khai thác thông tin thị trường lao động chiếm một vai trò không nhỏ. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện công tác phân tích và dự báo thị trường lao động. Năm 2019, đội ngũ Cán bộ, nhân viên Trung tâm đã nghiên cứu tổng hợp đầy đủ các chỉ tiêu kết quả hoạt động như: Số nhu cầu tuyển, số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, số người tham gia các phiên giao dịch tìm kiếm việc làm, tham gia phỏng vấn, được doanh nghiệp hẹn sau phỏng vấn và được tuyển dụng.
Thông qua các phiên giao dịch việc làm, nhiều lao động đã tìm được việc làm ổn định
Trong đó công tác khai thác thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định là hết sức cần thiết. Trong 8 tháng đầu năm, Trung tâm đã kết nối, khai thác thông tin của 802 doanh nghiệp, tìm ra 43.848 việc làm trống, hoàn thành tốt 9 phiên giao dịch việc làm, 7 phiên giao dịch việc làm cố định và 2 phiên giao dịch việc làm lưu động.
Kết quả đã có 141 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động tại phiên, 2.204 lượt người tham gia phiên, 684 người tham gia phỏng vấn tại phiên; có 134 người được tuyển dụng tại phiên và 387 người được doanh nghiệp hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp. Phối hợp với phòng Việc làm – An toàn lao động của Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh thực hiện nhập dữ liệu Cung- Cầu lao động năm 2019 vào phần mềm; điều tra Cầu lao động tại 15 xã/phường trên địa bàn Tp.Nam Định; điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019 của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc tổ chức định kỳ các phiên giao dịch việc làm, để thông tin việc làm được thường xuyên cập nhật và phổ biến đến đông đảo doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm vẫn tích cực tuyên truyền lưu động, đăng tin trên truyền hình và các báo đài địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện tư vấn tập thể cho học sinh, sinh viên các trường nghề trên địa bàn tỉnh để các em sớm hiểu rõ về thông tin thị trường lao động chung của tỉnh.
Đã từ nhiều năm, công tác bảo hiểm thất nghiệp luôn là một trong những mặt mạnh được Trung tâm giải quyết hiệu quả. 8 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã hướng dẫn cho 4.599 lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN (Bảo hiểm thất nghiệp) với 4.396 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 4.189 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp;123 người được hỗ trợ học nghề và 129 người có việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả quá trình giải quyết chế độ BHTN, Trung tâm luôn chú trong nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, thu nhập ổn định, tái hòa nhập thị trường lao động. Đây được coi là giải pháp tích cực, lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp thông qua các bàn tư vấn, tư vấn tập thể tại các doanh nghiệp có số đông người lao động nghỉ việc, tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm hằng tháng và tại các sàn lưu động. Do mở rộng đối tượng và phạm vi tư vấn nên trong những năm gần đây, số người được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn tăng lên đáng kể, đặc biệt là số người được tư vấn không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại thị trường lao động. Cùng với đó, công tác giới thiệu việc làm cho người lao động cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là từ năm 2015 trở lại đây. Song tại Nam Định, lao động nghỉ việc chủ yếu là lao động trong các ngành nghề dệt may, lao động phổ thông... nên họ dễ dàng tìm được việc làm, do đó tỷ lệ lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu còn hạn chế.
Bên cạnh tư vấn, hỗ trợ việc làm mới, để đạt được hiệu quả cao nhất, Trung tâm vẫn nỗ lực thực hiện các giải pháp đào tạo và khuyến khích người hưởng BHTN đủ điều kiện quay trở lại thị trường lao động.
Ngoài ra, công tác tổ chức hành chính cũng có nhiều tiến bộ: Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2019; Quyết toán nguồn kinh phí năm 2019; Theo dõi và sử dụng nguồn kinh phí theo quy chế chi tiêu nội bộ; Đảm bảo thu - chi theo đúng quy định của Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan và Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2019.
Do một số khó khăn tồn đọng về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác hoạt động Sàn, đào tạo còn thiếu, chật hẹp và kinh phí hỗ trợ phát triển thị trường còn chưa đủ… Trung tâm mong muốn được các ban, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch trong thời gian tới.
PV
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48