Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng: Môi trường an toàn, sạch đẹp trong chăm sóc người có công
(LĐXH)- Thực hiện trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội đối với người có công với cách mạng, các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình chính sách, những năm qua, tỉnh Hà Nam nói chung và Trung tâm Điều dưỡng dưỡng thương binh Kim Bảng nói riêng đã luôn tích cực thực hiện các chính sách ưu đãi bằng nhiều việc làm thiết thực và ý nghĩa, trong đó chú trọng hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường điều dưỡng trong lành, sạch đẹp để chăm sóc tốt hơn đối với người có công với cách mạng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng, riêng huyện Kim Bảng, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, huyện đã có 12.632 người con ưu tú lên đường nhập ngũ, đã có 2.385 người đã anh dũng hy sinh, 1.590 người góp một phần xương máu thân thể của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc; 154 bà mẹ được phong tặng truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng, 6 đồng chí là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.583 thương binh, 818 bệnh binh, 567 thanh niên xung phong, 603 hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nơi chiến trường, 266 là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Riêng Trung tâm Điều dưỡng dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) với nhiệm vụ đặc thù là chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và thân nhân của người có công bị mắc bệnh tâm thần mạn tính, bị sa sút trí tuệ, loạn thần hiện đang nuôi dưỡng, điều trị cho 114 thương, bệnh binh tuổi đời trung bình từ 55-60 trở lên của 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra và và nạn nhân nhiễm chất độc da cam của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. . 114 trường hợp thương – bệnh binh, thân nhân người có công đang điều trị, an dưỡng ở đây là 114 trường hợp có hoàn cảnh khác nhau.
Trong đó, có tới 81 thương, bệnh binh nặng hạng đặc biệt, mất sức từ 81% trở lên. Còn lại 33 đối tượng là hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân người có công. Các thương, bệnh binh ở đây bị mắc bệnh tâm thần mãn tính, sa sút về hoạt động tâm thần do vết thương sọ não. Đau thương hơn khi có tới 35% số thương, bệnh binh không có gia đình.
Và những năm gần đây trung tâm còn có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc một số đối tượng là thân nhân người có công (vợ, con liệt sỹ, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học), hưu trí, mất sức, viên chức và đối tượng tâm thần khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với chức năng, nhiệm vụ đó, những năm qua, trung tâm đã điều trị, phục hồi chức năng cho hơn 800 lượt TBB. Đã có 88 TBB nặng được về an dưỡng tại gia đình và địa phương.
Đóng trên địa bàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được thành lập năm 1976, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng là đơn vị trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có nhiệm vụ đặc thù chuyên điều trị, chữa bệnh và nuôi dưỡng những “bệnh nhân” nặng song nếu có dịp tới đây, ai cũng cảm nhận được đó là một môi trường gọn gàng, nề nếp, sạch sẽ và thoáng mát với nhiều bóng cây xanh mát, khuôn vườn rộng rãi. Trung tâm có diện tích 2,9 héc ta với 3 khu nhà điều trị, an dưỡng phục vụ các bác thương – bệnh binh, thân nhân người có công với đất nước bị bệnh nặng.
Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, trong đó có lực lượng Công an, thời gian qua, cơ sở hạ tầng của Trung tâm không ngừng đổi thay. Tại Khu điều trị 1 – dành cho các thương, bệnh binh nặng, các phòng điều trị - an dưỡng ở đây đều được trang bị công trình phụ khép kín, nhiều phòng có thêm cả điều hòa, ti vi và tủ lạnh…
Hằng ngày, các cô, các bác đều được đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm chăm sóc tận tình từ việc phụ giúp sinh hoạt cá nhân (ăn, uống, ngủ…) cho đến theo dõi bệnh tình, hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng.
Do các bác thương ở Trung tâm chủ yếu là những người mắc bệnh tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ, do đó việc điều trị, phục hồi sức khỏe cho các bác gặp rất nhiều khó khăn. Các biểu hiện thường xuất hiện ở TBB như: thờ ơ lạnh nhạt, nóng giận vô cớ, buồn vui lẫn lộn. Có khi bỏ trốn khỏi đơn vị, đi lang thang, ăn uống, vệ sinh thiếu kiểm soát. Nhiều đối tượng không còn nhớ gì, kể cả người thân.
Khi khám, chữa bệnh, các thương bệnh binh không thể tự kể được triệu chứng bệnh, hoặc kể không đúng… Để có thể điều trị hiệu quả, các y, bác sĩ đã phải luôn quan sát từng ngày, từ bữa ăn, giấc ngủ, những biểu hiện trong sinh hoạt của các thương bệnh binh để có thể đoán biết và điều trị bệnh đúng phác đồ. Trung tâm đã phân thành 3 khoa điều trị theo tính chất bệnh lý. Đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc, phục vụ các thương bệnh binh từ bữa ăn, giấc ngủ, viên thuốc uống hằng ngày, giữ ổn định tinh thần cho thương bệnh binh, nhằm hạn chế thấp nhất việc rối loạn tâm thần. Và thấu hiểu nỗi đau của các TBB phải gánh chịu, các y, bác sĩ nơi đây đã luôn nỗ lực hoàn thiện về chuyên môn nghiệp vụ để có thể điều trị tốt nhất cho TBB ở ngay trung tâm, hạn chế thấp nhất việc phải chuyển các bác lên tuyến trên điều trị.
Có lẽ cũng chính bởi sự tận tình trên mà các cô, các bác thương – bệnh binh lâu nay đã coi nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình.
Ông Nguyễn Trường Tâm (thương binh hạng 1/4) cho biết, ông từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1968, bị thương nặng, được trở về sống trong hòa bình, hạnh phúc, được Đảng, Nhà nước quan tâm, đãi ngộ, nhân dân yêu quý, quan tâm chăm sóc, ông thấy thật vui và mãn nguyện lắm. Ông Tâm quê tận Phú Thọ, nhưng gắn bó với trung tâm bao năm nay và coi đây là ngôi nhà lớn của mình, ngôi nhà chung của những TBB nặng. Mặc dù, ông may mắn được chăm sóc khỏe mạnh và có một gia đình riêng hạnh phúc ở gần ngay trung tâm, nhưng với ông trung tâm luôn là một ngôi nhà chung chứa đựng bao ân tình. Là nơi để ông và đồng đội cùng nhau thường xuyên chia ngọt, sẻ bùi.
Nếu TBB nào sức khỏe hồi phục kém hơn, không về sống cùng gia đình, tại trung tâm nơi ăn ở của TBB đều rất tốt. Mỗi căn phòng khép kín có đầy đủ tiện nghi, điều hòa, bình nóng lạnh giúp các TBB thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày.
Thương binh Trịnh Quang Trung, Bùi Đức Thà, Nguyễn Văn Thái là những thương binh tỉnh táo hơn, vui vẻ kể cho chúng tôi về cuộc sống hằng ngày. Các bác đều rất phấn khởi vì hiện nay đời sống của TBB được cải thiện hơn rất nhiều so với trước kia. Mọi chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước và sự chăm sóc nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên nơi đây đều rất tốt, khiến các bác đều cảm thấy rất ấm lòng.
Và dù đều bị thương rất nặng nhưng những TBB nơi đây đã luôn nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn thương tật, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều TBB đã có gia đình riêng hạnh phúc, nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành doanh nhân tiêu biểu. Điển hình như thương binh Triệu Hải (nhà ở TP. Phủ Lý).
Không chỉ quán triệt đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ nhân viên thấu hiểu đối tượng, coi đối tượng là người thân của mình, chăm sóc đối tượng bằng toàn bộ tâm sức của người thầy thuốc mà Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng còn chú trọng đến đầu tư đầu tư cơ sở vật chật và môi trường cảnh quan để phục vụ tốt cho người có công. Trung tâm thường xuyên kiểm tra và sửa chữa những tài sản, thiết bị hư hỏng, mua sắm, trang bị những thiết bị y tế mới, thùng rác, sửa chữa phòng ăn, phòng y tế. Chủ động phối hợp với các phòng chuyên thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành làm các thủ tục theo quy định tiến hành xây dựng mở rộng khu nhà bếp, sơn mới lại khu Tổ chức - Hành chính và khu điều trị, xây dựng căng tin, khuôn viên sạch sẽ, thoáng mát, luôn xanh, sạch, đẹp.
Để đảm bảo công tác môi trường, khuôn viên Trung tâm luôn được chăm sóc sạch đẹp, tạo cảm giác thư giãn để đối tượng yên tâm điều trị, sinh sống. Cây xanh được trồng và đặt ngay trong sân sinh hoạt chung xen kẽ với những bồn hoa, cây cảnh được các nhân viên, các con thường xuyên chăm sóc. Các phòng chức năng luôn được vệ sinh sạch sẽ; khu bếp ăn rộng, thoáng, luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm; khu nhà ở thoáng mát, được khử trùng thường xuyên để hạn chế thấp nhất những dịch bệnh lây lan do môi trường sống không đảm bảo.
Khi xây dựng, sửa chữa, Trung tâm chú trọng bố trí mặt bằng hạ tầng cơ sở đảm bảo không gây ra các tác động, ảnh hưởng từ khu vực phát sinh chất thải đến các khu vực khác; quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xây dựng hệ thống xử lý chất thải có công suất phù hợp với quy mô của cơ sở; Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp, bảo đảm chất thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Đặc biệt, trong năm 2020, khi dịch Covid 19 hoành hành, Trung tâm dồn toàn bộ nhân lực để tập trung tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp và phát quang cỏ dại, các cây xanh cây cổ thụ được chặt tỉa bớt cành, công tác khử khuẩn toàn Trung tâm được triển khai kịp thời các giải pháp như khơi thông toàn bộ hệ thống cống rãnh, rắc vôi bột, phun thuốc khử khuẩn bằng CloraminB, san lấp và bê tông hóa các khu vực ẩm thấp để chống ruồi muỗi và côn trùng.
Là đơn vị điều dưỡng thương binh nặng, có một khối lượng rác thải y tế lớn, vì vậy Trung tâm cũng chú trọng đến việc báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; xây dựng phương án thu gom, xử lý nước thải bảo đảm trước khi xả thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần, các phòng chuyên môn đều tổ chức vệ sinh môi trường xung quanh, chăm sóc vườn hoa cây cảnh nhằm tạo môi trường làm việc và chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng luôn sạch sẽ, văn minh, thoáng mát. Tại các phòng ở của các cụ cũng được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, thường xuyên khử phòng bằng đèn tia cực tím, phun thuốc diệt muỗi để phòng chống các dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm.
Từ những kết quả nỗ lực đó năm 2020 mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng vẫn đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch. Với trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ các y bác sĩ của Trung tâm hôm nay đối với những người có công, Trung tâm đã góp phần không nhỏ vào phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện tốt truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp sức xây dựng ngôi nhà chung của các thương bệnh binh luôn ấm áp nghĩa tình./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Thành phố Phổ Yên: Mặt trận Tổ quốc tăng cường giám sát rà soát hộ nghèo
29-11-2024 16:47 32
-
Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Hà Tĩnh
15-11-2024 16:47 26
-
Thuận Châu: Nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
04-11-2024 14:03 12
- Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 5: Hướng tới một xã hội hoà nhập thông qua lồng ghép giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ
- Đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho người sau cai nghiện ma túy
- Hỗ trợ người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định ở huyện miền núi Định Hóa
-
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
28-11-2024 15:03 01
-
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
28-11-2024 11:24 59
-
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
28-11-2024 08:45 34