ThS. Hoàng Minh Cương- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk cho biết: Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường luôn là địa chỉ có uy tín, và đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trong sản xuất và dịch vụ có chất lượng cao cho tỉnh và khu vực Tây Nguyên.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao là đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp nghề và Sơ cấp với 24 nghề (Điện dân dụng, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí; Lắp ráp thiết bị điện; Điện tử dân dụng; Cơ điện tử, Kế toán doanh nghiệp, Quản trị khách sạn, Nghiệp vụ nhà hang, Công tác xã hội, Hàn, Cắt gọt kim loại, Kỹ thuật xây dựng…….). Ngoài ra, Nhà trường còn liên kết đào tạo Đại học kỹ thuật hệ vừa học vừa làm; Bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật-công nghệ, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, tổ chức sản xuất kinh doanh,dịch vụ theo quy định của pháp luật…
Theo báo của Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk, trong năm học 2015-2016 Trường đã tổ chức triển khai công tác tuyển sinh được 726 HSSV hệ Cao đẳng nghề (đạt 121% chỉ tiêu được giao), 20 SV hệ liên thông Cao đẳng, 627 học viên hệ Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên, gần 4.500 học viên mô tô và bồi dưỡng tay nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Về công tác đào tạo nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về học nghề. Hồ sơ quản lý quá trình đào tạo được các khoa, trung tâm và phòng đào tạo thiết lập, thực hiện và lưu trữ theo đúng quy trình. Theo đó, trong những năm qua, Nhà trường đã thẩm định và đưa vào sử dụng nội bộ 46 giáo trình do đội ngũ cán bộ giảng viên của nhà trường xây dựng và hoàn thiện, 100% mô đun/môn học đều có giáo trình cấp khoa. Đồng thời, đã ban hành quy định về cách thức đánh giá kết quả học tập cho từng trình độ đối với các mô-đun/môn học/nghề; các quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt giáo trình. Mỗi mô-đun/môn học có ít nhất 2 tài liệu tham khảo chính cho HSSV.
Chương trình dạy nghề Nhà trường đã xây dựng theo chương trình khung của Bộ LĐ-TBXH, trường đã thực hiện xây dựng đầy đủ chương trình dạy nghề theo chuẩn nghề nghiệp đào tạo. Hằng năm chương trình, giáo trình được rà soát, điều chỉnh phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chương trình dạy nghề được thiết kế theo hướng liên thông hợp lý giữa các trình độ đào tạo nghề; chú trọng và tiếp thu ý kiến góp ý hợp lý của CC-VC và các chuyên gia. Định kỳ 1 học kỳ/lần thu thập ý kiến đánh giá của cán bộ, giáo viên, người học về mức độ và điều kiện thực hiện phương pháp dạy học thích hợp.
Trong quá trình phát triển, với phương châm: “Học đi đôi với hành”, Nhà trường luôn chú trọng yêu cầu rèn luyện kỹ năng nghề, công tác thực hành, thực tập tại các đơn vị, doanh nghiệp cho HSSV; Chú trọng công tác xây dựng hệ thống thông tin để tư vấn nghề có hiệu quả từ các cơ sở sản xuất các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đảm bảo cho HSSV thuận tiện liên hệ việc làm.
Ngoài ra, Nhà trường đã thiết lập được mỗi quan hệ với gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa học sinh đi thực tập sản xuất và giới thiệu việc làm. Học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay (khoảng 80%), riêng 2 nghề Hàn và Cắt gọt kim loại không đủ cung cấp nhân lực theo nhu cầu của xã hội, nhiều cơ sở đã đến liên hệ tuyển dụng khi học sinh còn đang học. Và thông qua đó để nâng cao chất lượng tổ chức các bài thực hành, để HSSV tiệm cận những thực tiễn và hoàn thành được quy trình học tập và thực tập tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không chỉ nhận HSSV vào thực tập mà còn quan tâm, giúp đỡ như hỗ trợ vào Qũy đào tạo của nhà trường, và hằng năm các doanh nghiệp còn trao học bổng cho những HSSV có thành tích tốt trong học tập, một số doanh nghiệp khác thì hỗ trợ cho nhà trường về các thiết bị giảng dạy. Nhà trường rất tự hào khi được các doanh nghiệp tại đây quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường.
Sinh viên trong giờ học thực hành nghề Cơ khí
Song song đó, chất lượng đại trà luôn được Trường chú trọng, luôn có cải tiến trong giảng dạy nhằm đảm bảo tay nghề cho học sinh. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã quan tâm hơn đến chất lượng mũi nhọn, tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi nghề, tạo điều kiện để những học sinh có khả năng vượt trội được tham gia các cuộc thi tay nghề ở các cấp cao hơn. Nhà trường cũng đã thực hiện công khai, minh bạch trong việc tổ chức thi, kiểm tra kết thúc khóa học và cấp bằng theo đúng quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp dạy nghề trong dạy nghề hệ chính quy.
Bên cạnh đó, Nhà trường đã tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, các lớp 10, lớp 11 và lớp 12 song song chương trình Trung cấp nghề cho học sinh đã tốt nghiệp THCS và đang học nghề tại trường để các em tăng thêm khả năng tìm kiếm việc làm.
Trong năm 2015-2016, kết quả học tập của HSSV hệ chính quy đạt kế hoạch đề ra, học sinh học lực trung bình trở lên là 89,4%, trong đó có 40,8% xếp loại khá giỏi. Kết quả rèn luyện đạt yêu cầu 89% (54,8% xếp loại tốt, xuất sắc). Về kết quả đào tạo hệ vừa làm vừa học, trong năm 2015-2016, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị liên kết trong việc tuyển sinh, điều hành, quản lý lớp học, công tác giáo vụ, quản lý sinh viên, tổ chức giảng dạy, tổ chức thi đối với 01 lớp liên thông, Cao đẳng và 05 lớp liên thông Đạu học hệ vừa làm vừa học đang học tập tại trường.
Hệ vừa học vừa làm tại trường đã tạo cơ hội học tập cho người lao động trên địa bàn trong và ngoài tỉnh nâng cao trình độ và kỹ năng nghề, góp phần nâng cao chất lượng lao động cho địa phương. Ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo trình độ Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề nhà trường còn tích cực trong đào tạo Sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên, đào tạo lái xe cơ giới đường bộ để đáp ứng nhu cầu học nghề của xã hội. Trong năm học 2015-2016, nhà trường đã đào tạo được 70 học viên sơ cấp nghề 557 học viên được bồi dưỡng tay nghề. Tổ chức thi cấp 286 chứng chỉ tin học và 316 chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra cho HSSV; có 36 học sinh đăng ký tham gia học sơ cấp nghề Kĩ thuật lập trình vi điều khiển, Sửa chữa lắp ráp máy tính..
Về nghiệp vụ giáo viên, hiện nay Nhà trường có đội ngũ 168 cán bộ giảng viên giáo viên, nhân viên, trong đó 01 nghiên cứu sinh, 30 Thạc sỹ, 24 giáo viên đang học sau đại học và hơn 80% có trình độ đại học. Hằng năm, nhà trường đều có tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường nhằm tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề. Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều giáo viên của nhà trường đã trưởng thành. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường đã tích cực tham gia các phong trào thi đua dạy tốt, tham gia tích cực vào Hội giảng giáo viên dạy nghề các cấp, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm các cấp, Hội thi sáng tạo khoa học –kỹ thuật của tỉnh. Nhà trường cũng đã được tặng giấy khen của Sở LĐ-TBXH đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hội giảng giáo viên dạy nghề..
Nhà trường cũng đã làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ, năm qua đã có 01 người học nghiên cứu sinh, 15 người học cao học, 02 người học đại học, 18 người được cử tham gia các lớp tập huấn do Tổng cục Dạy nghề và các dự án tổ chức.
Hằng năm Trường Cao đẳng nghề tỉnh Đắk Lắk có trên 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay
ThS. Hoàng Minh Cương cho biết thêm, bên cạnh những thuận lợi trường vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Chất lượng đầu vào hiện nay vẫn còn khá thấp, nhu cầu học nghề tăng nhưng việc xác định tư tưởng và lựa chọn nghề không ổn định; tỷ lệ HSSV bỏ học còn cao, khả năng thu hút việc làm cho HSSV tại địa phương còn ít, tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường còn thấp. Cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đồng bộ, kinh phí tự chủ một phần, ngân sách cấp bù song không đạt dự toán thu..
Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ giáo viên của trường đáp ứng yêu cầu trong công tác đào tạo. Theo lộ trình phát triển đội ngũ giáo viên, Nhà trường sẽ tiếp tục cử giáo viên đi đào tạo mỗi năm 1-2 nghiên cứu sinh, đặc biệt ưu tiên cho những người được quy hoạch cán bộ quản lý, giảng viên giảng dạy các nghề trọng điểm quốc gia. Nhà trường đẩy mạnh công tác hợp tác, liên kết đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo những ngành, nghề mà doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu. Đồng thời, tiếp tục đầu tư vào các nghề trọng điểm đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt.
Ngoài ra, Nhà trường cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp trong thời gian tới tăng thời lượng thực tập cho các sinh viên tại các doanh nghiệp từ 3-5 tháng so với 2-3 tháng như hiện nay. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn và xây dựng văn bản cam kết giữ Nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn lao động cho các HSSV khi tham gia thực tập tại các doanh nghiệp. Cùng với đó, xây dựng bảng khảo sát và đánh giá công tác thực tập của sinh viên trước và sau khi thực tập, số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp để làm căn cứ trong công tác đào tạo và dự báo nhu cầu, ngành nghề đào tạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Song song đó, hiện nay Nhà trường đang xây dựng kế hoạch đổi tên Trường Cao đẳng nghề thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp và Thông tư 46 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Lê Việt
-
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
07-01-2025 20:37 46
-
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
07-01-2025 13:53 52
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
27-12-2024 14:32 31
-
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
30-12-2024 13:44 57
-
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
30-12-2024 13:34 40