Vai trò then chốt của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH) - Với phương châm triển giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động thì việc tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề có vai trò then chốt. Tuy nhiên, việc liên kết, phối hợp cũng như hình thức hợp tác vẫn còn nhiều hạn chế và cần có giải pháp đồng bộ để thu được những kết quả tốt hơn…
Theo kết quả điều tra và thực trạng nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp do Cục Việc làm phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện năm 2017, có 36,29% số doanh nghiệp có tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trong doanh nghiệp và lao động xã hội; trong đó, có 54,59% số các doanh nghiệp nhà nước, 30,18% số các doanh nghiệp ngoài nhà nước và 56,57% số các doanh nghiệp có vốn đầu tư người ngoài. Số còn lại không có tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trong doanh nghiệp và lao động xã hội; trong đó, có 45,41% số các doanh nghiệp nhà nước, 69,82% số các doanh nghiệp ngoài nhà nước và 43,43% số các doanh nghiệp có vốn đầu tư người ngoài.
Về số doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó có: 95 trường cao đẳng thuộc doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 19,4%; 249 trường trung cấp chiếm tỷ lệ 32,5%; 194 trung tâm giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ lệ 15,9%. Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp, chủ yếu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, ví dụ như: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản (Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam), Trường Cao đẳng nghề Đường sắt (Tổng cục Đường sắt), Trường Cao đẳng nghề Lilama1 (Liên hiệp lắp máy Việt Nam), Trường cao đẳng Vinatex tại Nam Định và TP. Hồ Chí Minh (Tập đoàn Dệt May Việt Nam), Trường Cao đẳng Việt Nam – Singapore (Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore, Bình Dương); Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi); Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải (Khu Phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Quảng Nam...).
Về Mức độ hợp tác, chỉ có 9,11% số doanh nghiệp có hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 23,54% số các doanh nghiệp nhà nước, 6,85% số các doanh nghiệp ngoài nhà nước và 11,93% số các doanh nghiệp có vốn đầu tư người ngoài. Số còn lại không có hoạt động nào hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 76,46% số các doanh nghiệp nhà nước, 93,15% số các doanh nghiệp ngoài nhà nước và 88,07% số các doanh nghiệp có vốn đầu tư người ngoài.
Về các hình thức hợp tác, có 2,31% doanh nghiệp, cử cán bộ tham gia với cơ sở giáo dục xây dựng chương trình đào tạo, 1,67% doanh nghiệp, cử cán bộ, chuyên gia đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 4,9% doanh nghiệp tiếp nhận và hướng dẫn người học thực tập, 4,87% doanh nghiệp gửi người lao động của doanh nghiệp đến học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho lao động chiếm rất thấp, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước 30,18%, doanh nghiệp FDI là 56,57%. Như vậy Điều 60 Bộ luật Lao động (Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động) chưa được doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện và cả trách nhiệm báo cáo kết quả đào tạo nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động của doanh nghiệp cũng không được thực hiện đầy đủ.
Nhìn chung, các doanh nghiệp tự thực hiện đào tạo nghề cho lao động hơn là hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Hình thức tiếp nhận học viên thực tập tại doanh nghiệp và của lao động của doanh nghiệp đến học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác, nhưng tính chung chỉ có gần 5% số doanh nghiệp thực hiện và cao nhất là doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ có gần 14% số doanh nghiệp nhà nước thực hiện.
Thử tìm những giải pháp…
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài cần thực hiện những giải pháp đồng bộ về số lượng, cơ cấu ngành nghề trình độ và chất lượng trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thu hút doanh nghiệp tham gia thực sự vào phát triển nhân lực; gắn kết các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc phát triển nhân lực là vấn đề rất quan trọng, cụ thể là:
Thứ nhất: Hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phân tầng có trường chất lượng cao, đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp có công nghệ tiến tiến; đồng thời có những trường có những nghề phổ biến, đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các doanh nghiệp trong cả nước.
Thứ hai: Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động ở các cấp để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Xây dựng mô hình “Trường trong doanh nghiệp” – mô hình được thực hiện từ lâu ở nhiều nước công nghiệp cần được học tập. Theo đó mô hình “Trường trong doanh nghiệp” nhấn mạnh vai trò “đào tạo” của doanh nghiệp với giáo viên chính là những thợ bậc cao, những kỹ sư lành nghề trong doanh nghiệp kèm cặp hướng dẫn học viên trên những thiết bị máy móc của doanh nghiệp. Học viên sẽ đảm trách những công việc đơn giản đến trung bình. Chương trình học sẽ được phát triển bởi sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên mô hình này sẽ gặp trở ngại nếu doanh nghiệp chưa thấy được hiệu quả của quá trình đào tạo này.
Ba là: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững, trong đó cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động. Tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các đối tượng tham gia giáo dục nghề nghiệp. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội trợ việc làm nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên tìm việc sau tốt nghiệp.
Bốn là: Tăng cường sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Ban hành các chính sách đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Hướng dẫn thực hiện miễn, giảm thuế các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đối với người lao động của chính doanh nghiệp hoặc cho xã hội. Chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề của người lao động được xác định là chi phí hợp lệ. Được thu phí tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động theo nguyên tắc thỏa thuận với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có học sinh, sinh viên đi thực tập. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định về doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động: liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tham gia vào tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo như xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, tiêu chuẩn nghề, xây dựng chương trình đào tạo; tham gia đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.
Năm là: Đẩy mạnh phong trào thi tay nghề trong các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới thông qua việc bồi dưỡng tay nghề cho các cuộc thi.
Sáu là: Hình thành ban/bộ phận phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, tổ chức công đoàn trong giáo dục nghề nghiệp ở các cấp hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm với sự tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức công đoàn và đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp với chức năng tư vấn, tham gia việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực ưu tiên với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp.
Bảy là: Đẩy mạnh truyền thông về chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp; truyền thông nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật lao động và giáo dục nghề nghiệp./.
Nguyễn Hữu Bắc
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47