Lao động
Xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, hội nhập
12:53 PM 28/11/2024
(LĐXH)- Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việc sửa đổi Luật Việc làm với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn.
Ngày 27/11, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, vấn đề việc làm chịu tác động bởi nhiều hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi Luật cần tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự lường những vấn đề mới và đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khung pháp lý; với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn.
Đây là vấn đề trọng tâm trong luật này cần đặt ra và nhìn nhận một cách nghiêm túc về thị trường lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng khẳng định, trên cơ sở dự thảo và góp ý của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện theo hướng bổ sung làm rõ hơn, thể chế phải góp phần quản trị, đặc biệt là tạo ra khung pháp lý tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và năng suất lao động cao.
Đối với vấn đề tạo việc làm đầy đủ và chất lượng, tập trung vào những vấn đề có tính chất nguyên tắc, gốc là phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết gia tăng việc làm, cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm, cải thiện hệ thống dịch vụ công về việc làm, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, kiên quyết xóa bỏ rào cản thể chế bất bình đẳng trong việc làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tạo việc làm và việc làm chất lượng cao.
Trong đó nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc của mình và kích hoạt các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội.
Về năng suất lao động, Bộ trưởng nêu rõ: “Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi đa dạng, phức tạp và nhanh chóng khó lường như hiện nay, chúng ta phải thích ứng nhanh với xu hướng phòng ngừa già hóa dân số, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu và tác động nhanh, sâu sắc, căn bản của khoa học công nghệ. Điều này vừa là tận dụng lợi thế nhưng cũng phòng ngừa và hạn chế tất cả những rủi ro thách thức.
Việt Nam chúng ta phụ thuộc bốn yếu tố cơ bản: mức độ thay đổi và loại hình công nghệ sẽ thay đổi; trình độ kỹ năng lao động; chính sách quốc gia áp dụng hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tác động của trí tuệ nhân tạo.
Trong bối cảnh đó, khó có thể chi tiết hóa tất cả các chính sách trong luật này, mà đòi hỏi phải xây dựng khung chính sách có tính chất mở, dễ điều chỉnh, dễ thích ứng trong từng thời gian. Chúng ta tập trung vào một số vấn đề cơ bản như mở cửa tiếp cận kỹ năng cho tất cả mọi người, nhất là tiếp cận rộng rãi về giáo dục đào tạo, học suốt đời, tư vấn đào tạo kỹ năng thích ứng trong nghề nghiệp. Hoàn thiện thị trưởng lao động toàn diện thích ứng và bền vững, giải quyết tình trạng bất ổn phi chính thức trên thị trường lao động; cải thiện chất lượng việc làm; thúc đẩy sự gia tăng, sự năng động của doanh nghiệp, sự lan tỏa của công nghệ; hạn chế tác động của mặt trái thị trường…. Sửa Luật Việc làm cũng cần tập trung lấy người lao động, lấy việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững. Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là dự thảo Luật rất quan trọng, phức tạp, có tính thực tiễn cao, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến vấn đề lao động, việc làm - một trong các trụ cột quan trọng trong phát triển bao trùm và bền vững, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới…
Trước đó, tại phiên thảo luận đã có 25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về việc làm; những hành vi bị nghiêm cấm; tín dụng chính sách giải quyết việc làm; đối tượng, điều kiện vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi; phát triển kỹ năng nghề; tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề và Đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia; đăng ký và quản lý lao động; bảo hiểm thất nghiệp (đóng bảo hiểm thất nghiệp; trình tự, thủ tục, điều kiện, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp); điều kiện hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Trung tâm dịch vụ việc làm; hệ thống thông tin thị trường lao động.
Hồng Hà