Yên Bái: Triển khai hiệu quả nhiều mô hình giảm nghèo
(LĐXH) - Thời gian qua, Tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, như: Mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn, trồng dâu, nuôi tằm... đã giúp các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, các chính sách, các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó có việc triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã triển khai thực hiện 147 dự án sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong đó: 6 dự án trồng trọt, 138 dự án chăn nuôi, 3 dự án lâm nghiệp với tổng số hộ 3.026 hộ tham gia hưởng lợi, trong đó có 1.580 hộ nghèo, 778 hộ cận nghèo, 541 hộ thoát nghèo; 1.456 người được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, học tập các mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả.
Từ năm 2023 đến nay, thực hiện Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Trấn Yên đã thực hiện 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp với 54 hộ tham gia. Cùng với đó, Tiểu dự án 1 (Dự án 3) - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện 16 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp với 129 hộ tham gia. Năm 2024, có 10 nhóm cộng đồng/211 đối tượng thực hiện Dự án 2; 13 nhóm cộng đồng/184 đối tượng thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 3) - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến nay, qua khảo sát, đa số các hộ tham gia các dự án, tiểu dự án đều sử dụng vốn hiệu quả, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Chị Triệu Thị Lan ở thôn An Phú, xã Y Can là một trong những hộ được hỗ trợ theo hình thức 40/60 chia sẻ: "Gia đình tôi mới thoát nghèo năm 2021. Được hỗ trợ gần 60 triệu đồng từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, tháng 8/2024, gia đình đã mua được 5 con trâu thương phẩm để chăm sóc, vỗ béo, dự kiến sang năm sẽ xuất chuồng. Cảm ơn các cấp, ngành đã kịp thời hỗ trợ để người nghèo như chúng tôi có điều kiện để phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Thời gian qua, người dân ở 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên là xã Tân Phượng và Lâm Thượng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái cùng với một số đơn vị trực thuộc Sở hỗ trợ triển khai mô hình trồng cây Giổi ghép, giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu địa phương. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã xác định lựa chọn cây Giổi ghép cho định hướng hỗ trợ thoát nghèo cho các hộ gia đình trên địa bàn. Cây Giổi ghép (giổi ăn hạt) là cây có giá trị kinh tế cao, gỗ Giổi là một loài gỗ quý, ngoài giá trị về gỗ, hạt Giổi còn có tác dụng làm thuốc và là gia vị cho các món ăn rất được ưa chuộng và sử dụng hàng ngày. Về giá trị kinh tế thì cây Giổi trồng bằng phương pháp gieo hạt bình thường sau trồng 6- 10 năm mới ra hoa, kết trái. Nhưng hiện nay, nhờ áp dụng kỹ thuật trong chọn tạo, ghép giống nên cây Giổi ghép chỉ sau trồng 3 năm đã cho ra bói, từ năm thứ 4 đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Đặc biệt giá hạt Giổi tươi trên thị trường hiện nay giao động khoảng 600.000 – 650.000 đồng/kg, hạt khô phải 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Những năm đầu, mỗi cây Giổi có thể cho thu hoạch vài cân hạt mỗi năm, những năm tiếp theo hạt sẽ càng nhiều hơn, sản lượng hạt có thể đạt từ 5 – 10 kg/ năm/cây.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân hai xã chỉ đạo các hộ chuẩn bị tốt các điều kiện kỹ thuật để trồng cây Giổi đồng thời hướng dẫn và bàn giao 1.500 cây giổi ghép, phân bón cho 41 hộ gia đình, cá nhân là hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ trung bình khá trên địa bàn 02 xã Lâm Thượng và Tân Phượng huyện Lục Yên.
Ông Triệu Tài Ngọc, hộ nghèo thôn Khiểng Khun xã Tân Phượng phấn khởi chia sẻ. Gia đình tôi không có nhiều đất để canh tác, nay được hỗ trợ cây Giổi ghép trồng tận dụng trên diện tích đất vườn hộ, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký 40 cây để trồng trên diện tích 1000 mét vuông đất vườn nhà. Tôi cũng thấy một vài hộ bên xã bên cũng đã trồng cây này đã cho thu hoạch vì vậy tôi rất yên tâm đăng ký để trồng, tôi hy vọng đây sẽ là cây cứu cánh cho gia đình tôi thoát nghèo.
Có thể nói, việc triển khai các mô hình giảm nghèo bước đầu đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo./.
Hưng Cảnh
Từ khóa:
-
Yên Bái: Triển khai hiệu quả nhiều mô hình giảm nghèo
18-11-2024 07:18 32
-
Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới
12-12-2024 07:09 55
-
Yên Bái: Hoàn thiện mạng lưới công tác xã hội
18-11-2024 07:15 33
-
Tháo gỡ vướng mắc trong xác nhận, thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công
28-11-2024 15:20 26
-
Đẩy mạnh các chính sách, tăng cơ hội bình đẳng cho phụ nữ ở Ninh Thuận
09-12-2024 15:15 54
-
Một số quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công
12-11-2024 14:49 29