51,3 triệu lao động có việc làm trong Quý I năm 2024
(LĐXH) – Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2024, lực lượng lao động, số người có việc có giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2024 là 52,4 triệu người, giảm 137,4 nghìn người so với quý trước nhưng tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tình hình lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kỳ dịch Covid-19 (lực lượng lao động quý I thường có xu hướng giảm nhẹ so với quý IV năm trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2024 là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,6% và của nam giới là 74,7%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,1%, thấp hơn ở khu vực nông thôn 3,9 điểm phần trăm. Quan sát theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 34,6%; nông thôn: 49,2%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 34,4%; nông thôn: 42,8%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2024 là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hiện nay, cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Riêng trong Quý I năm 2024, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, giảm 127 nghìn người (tương ứng giảm 0,25%) so với quý trước, tăng 174,1 nghìn người (tương ứng tăng 0,34%) so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lao động có việc làm giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,77%) và ở nam giới (giảm 0,97%).
Số lao động có việc làm quý I năm 2024 đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kì trước dịch Covid-19. Theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kì dịch Covid-19 (trước năm 2020), số lao động có việc làm quý I thường có xu hướng giảm nhẹ so với quý IV năm trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này chỉ ghi nhận ở quý I do yếu tố thời vụ và văn hóa lễ hội sau dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, đến năm 2020 và 2021 (thời kì bị ảnh hưởng bởi dịch), số lao động có việc làm giảm mạnh ở quý I và có xu hướng tăng/giảm bất thường ở cả các quý sau do ảnh hưởng của các đợt dịch, quý I năm 2020 bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lao động (giảm 1,84% so với quý trước và giảm 0,77% so với cùng kì năm trước), sự sụt giảm này còn diễn ra ở quý II năm 2020 (giảm 3,99%), quý I năm 2021 (giảm 1,89%) và quý III năm 2021 (giảm 5,20%). Đến giai đoạn năm 2022-2023 là giai đoạn phục hồi, số lao động tăng ở tất cả các quý do hiện tượng “tăng bù” sau đại dịch Covid-19. Đến quý I năm 2024, số lao động giảm nhẹ so với quý IV năm 2023 (giảm 0,25%) và quay lại xu hướng như năm 2019.
Trong tổng số 51,3 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,0%, tương đương 20,5 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,1%, tương đương 17,0 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, chiếm 26,9%, tương đương 13,8 triệu người. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, qui mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 3,1 nghìn người và 65,4 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 196,4 nghìn người và giảm 336,4 nghìn người; lao động trong ngành dịch vụ tăng 72,4 nghìn người và tăng 575,8 nghìn người.
Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý I năm 2024 là 33,3 triệu người, giảm 195,8 nghìn người so với quý trước và tăng 240,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động phi chính thức quý I năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do số lao động phi chính thức ở ngành dịch vụ tăng (tăng 696,3 nghìn người).
Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2024 là 64,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Khánh Quyên
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48