Lao động
An Giang: Phát triển thị trường lao động bền vững và hiệu quả
06:14 PM 16/12/2024
(LĐXH) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, năm 2024, đơn vị đã chủ động triển khai các nội dung đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động; phối hợp đơn vị, sở, ngành, địa phương… trực tiếp đi thăm, làm việc với DN trong và ngoài khu công nghiệp, nắm tình hình sản xuất, lao động, tiền lương và nhu cầu tuyển lao động.
Trong 10 tháng của năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 17.929 người, đạt 89,6% kế hoạch năm; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 8 huyện, thị xã, thành phố; phối hợp tổ chức 9 ngày hội việc làm, 102 cụm (điểm) tư vấn việc làm tại 7 huyện, thị xã, thành phố cho 41.035 trường hợp, đạt 115% so cùng kỳ năm 2023. Qua đó, giải quyết việc làm mới cho 25.952 lao động, đạt 96,1% kế hoạch năm.
Đến nay, tỉnh đã tường bước triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; hỗ trợ Phòng LĐ-TBXH các huyện, thị xã, thành phố triển khai khảo sát thu thập, thống kê thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ cho việc tổ chức các Phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm tại các địa phương.
Các doanh nghiệp tại An Giang cần tuyển dụng nhiều lao động (Ảnh: TTXVN)
Các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động được triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, góp phần hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Triển khai thực hiện tốt việc thu thập thông tin cung - cầu lao động, qua đó, có cơ sở dữ liệu trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch đào tạo, góp phần đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Sàn giao dịch việc làm đã tăng tần suất và chất lượng phiên giao dịch; thông qua các phiên giao dịch việc làm từng bước phát triển thị trường lao động, tạo cơ hội cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo tiếp cận về thông tin thị trường đầy đủ hơn. Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức 28 ngày hội, phiên giao dịch việc làm và 168 cụm điểm giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố có 1.145 lượt doanh nghiệp tham gia với 39.003 lượt lao động tham dự, góp phần tăng cường kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, hiện vẫn còn một bộ phận người lao động còn hạn chế, nhiều lao động còn tâm lý ngại đi làm việc xa quê nên số lượng lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài có tăng qua từng năm nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lao động của tỉnh.
Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ tín dụng nhưng nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn,… vẫn còn gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí cần thiết khi đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn hạn chế nên nhiều lao động và hộ gia đình muốn vay để sản xuất kinh doanh tại địa phương gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Nhiều lao động chưa định hướng nghề nghiệp tương lai trước khi theo học các ngành nghề để gắn liền với cơ hội tìm kiếm việc làm. Lực lượng lao động được giải quyết việc làm đa số là lao động phổ thông cho nên chưa thật sự bền vững, việc làm chưa được ổn định lâu dài.
Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối thông tin về việc làm, giới thiệu việc làm cho NLĐ; phối hợp địa phương tổ chức điểm, cụm, phiên giao dịch việc làm. Đồng thời, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, đáp ứng nhu cầu của DN.
Đức Ngô
 
Từ khóa: