Xã hội
Bắc Giang: Từng bước thu hẹp khoảng cách giới
08:50 AM 17/07/2024
(LĐXH) - Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt của đời sống, kinh tế, chính trị và xã hội.

Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực
trên mọi mặt của đời sống, kinh tế, chính trị và xã hội

Đến nay, đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh Bắc Giang ngày càng trưởng thành, có năng lực, trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giao những trọng trách quan trọng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh chiếm 11,7%, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiếm 20%, tăng 6,67%; cấp huyện chiếm 12,6%, tăng 0,33%, cấp xã chiếm 18,88%, tăng 2,35%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại HĐND, UBND cấp xã chiếm 31% xã, phường, thị trấn; cấp huyện 50%; cấp tỉnh 28,6%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở cấp tỉnh là 26,67% (tăng 5,57%); cấp huyện là 26,4% (tăng 1,1%); cấp xã là 25,06% (tăng 2,96%); hiện nay 35% cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bổ nhiệm 04 đồng chí cán bộ nữ giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Toàn tỉnh có 41 cán bộ nữ đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh (tăng 12 đồng chí so với năm 2019); Trong đó 01 đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thuộc diện Ban Bí thư quản lý; 02 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 03 đồng chí là Tỉnh ủy viên; 01 đồng chí giữ chức Bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện; 10 đồng chí giữ chức vụ cấp trưởng các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh (tăng 03 chức danh so với năm trước); 271 nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trên tổng số 1.590 lãnh đạo, quản lý (trong đó 16 nữ là người dân tộc thiểu số).
Tỉnh cũng đã triển khai nhiều nội dung, chương trình tác động đến đời sống của phụ nữ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, trong đó có lao động nữ như: Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đẩy mạnh các hoạt  động kết nối cung - cầu lao động, cập nhật, tổng hợp thông tin thị trường lao  động để chia sẻ, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động... Năm qua, các cấp Hội phụ nữ tổ chức 08 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã, kinh doanh online cho 610 phụ nữ; giúp 389 phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh thành công thông qua hình thức cho vay vốn và hỗ trợ phương tiện sinh kế với tổng trị giá gần 18,9 tỷ đồng; rà soát, đăng ký, tổ chức các hoạt động giúp 442 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững; 164/164 HTX/Tổ hợp tác/Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp do Hội hỗ trợ thành lập ký cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn... Đến nay, tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 23%.
Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng được triển khai. Toàn tỉnh có 1.542 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình với trên 25.000 hội viên, 01 mô hình phòng chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hoá thể thao và du lịch); 523 mô hình hoạt động độc lập, 1.359 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 647 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 516 đường dây nóng. Đến nay, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ so với nam giới giảm còn 1,46 lần; 100% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn; 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng; 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe được triển khai đồng bộ và đa dạng. Chương trình truyền thông về bình đẳng giới rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Các hoạt động văn hoá, thông tin, truyền thông tiếp tục phát triển phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.../.
Hưng Minh
Từ khóa: