Xã hội
Bình Định: Hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo bền vững
09:54 AM 26/08/2024
(LĐXH)-Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2024 
Tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương tổ chức quán triệt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ nguồn vốn được phân bổ, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại huyện nghèo An Lão; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng nghèo, vùng khó khăn; làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo…
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bình Định được phân bổ vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 415 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 372,9 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh 42,2 tỷ đồng). Kết quả, đã giải ngân vốn được 283,9 tỷ đồng, đạt 68,4% (vốn Trung ương 264,7 tỷ đồng, đạt 71,0%; vốn đối ứng của tỉnh 19,2 tỷ đồng, đạt 45,6%).
Qua 03 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đời sống của nhân dân tại các vùng nghèo, vùng khó khăn đã được cải thiện nâng cao. Toàn tỉnh đã có 26.792 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 6,15%, với 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 3,13% (13.834 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,02% (13.326 hộ).  Về chỉ tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện nghèo, tỉnh đã thực hiện 31 công trình và 03 công trình giao thông, kết nối, liên kết vùng, kinh phí giải ngân được 124,5 tỷ đồng, đạt 64,5%. Về chỉ tiêu xây dựng, nhân rộng 100 mô hình giảm nghèo, kết quả đã có hơn 263 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và 02 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho hơn 4.182 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); kinh phí giải ngân được 56,1 tỷ đồng, đạt 75,8%.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã giải quyết việc làm cho 82.158 lao động, đạt 106,2% so với kế hoạch. Tuyển sinh đào tạo nghề 52.623 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề cuối năm 2023 đạt 62%, vượt 0,06% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác giảm nghèo được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, với gần 100% người dân đã được thông tin đầy đủ khi có nhu cầu. Đã cấp 270.332 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 26.238 thẻ BHYT cho người có mức sống trung bình; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiếp cận đầy đủ thẻ BHYT.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Bình Định cũng gặp một số tồn tại, khó khăn như: Kết quả giảm nghèo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh; Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn trong nhân dân, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo có người ốm đau bệnh nặng, trẻ em trong hộ nghèo, hộ cận nghèo còn đi học. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2023 còn 3,13% so với cả nước là 2,93%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm năm 2023 là 1,37%, chưa đạt theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra (từ 1,5%-2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão vẫn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi 20,68%).
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, căn cứ nguyên nhân nghèo, chiều thiếu hụt liên quan đến từng sở, ban, ngành mình cần chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả để hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, đối với Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương xây dựng một số chính sách đặc thù hỗ trợ nâng cao mức sống tối thiểu và hỗ trợ khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, thoát cận nghèo trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề cho 8.754 người lao động; rà soát giới thiệu việc làm cho 11.522 hộ có chỉ số thiếu hụt về việc làm và 2.382 người có nhu cầu được giới thiệu việc làm; phối hợp, thực hiện các dự án phát triển sản xuất cộng đồng, liên kết theo chuỗi giá trị cho 10.839 hộ nghèo, hộ cận nghèo.../.
Minh Anh
Từ khóa: