Bình Định: Thực hiện giải pháp giảm nghèo theo từng nguyên nhân cụ thể
(LĐXH) - Ngày 2/8 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 và thông qua dự thảo kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2024, giai đoạn 2025 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 của UBND tỉnh, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,13%, giảm 2% so với năm 2023 (tương ứng với việc có thêm 8.848 hộ nghèo thoát nghèo), đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (dự kiến cả nước còn từ 1,93 - 1,83%).
Năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước; dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 0,7% so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (dự kiến 0,9 - 0,8%); tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm 3 - 4%/năm. Một số xã, phường của TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn không còn hộ nghèo. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%. Huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, hoạt động giảm nghèo trở thành phong trào sâu rộng, được các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương phối hợp, tổ chức thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, các ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến cuối năm 2024 sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Đối với huyện nghèo An Lão, cuối năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 17,23%; đến cuối năm 2025 tỷ lệ này còn dưới 6%. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: “Huyện ủy, UBND huyện và các hội, đoàn thể đang tập trung nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể. Trong đó, cuối năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành cấp đất và chuyển đổi nghề cho 420 hộ thiếu đất sản xuất”.
Với mục tiêu xóa nghèo trên địa bàn vào cuối năm 2025, TX An Nhơn đang dồn sức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; UBND thị xã đã làm việc và phân công việc làm cụ thể cho từng hội, đoàn thể và các địa phương. Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “Điểm khó nhất để xóa nghèo vào cuối năm 2025 là 44 hộ nghèo neo đơn, già cả không nơi nương tựa. Các hộ này đang nhận hỗ trợ hằng tháng từ 750.000 - 1.000.000 đồng. Nếu chuyển sang hộ cận nghèo họ chỉ được nhận 250.000 đồng/tháng. Do vậy, để đảm bảo đời sống cho các hộ này, thị xã sẽ tiếp tục hỗ trợ đối với hộ có người từ 80 tuổi trở lên với mức 1.000.000 đồng/tháng. Các hộ còn lại, thị xã vận động xã hội hóa để hỗ trợ với mức không đổi so với hiện nay”.
Hiện toàn tỉnh còn 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó nghèo với nguyên nhân có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn là 6.049 hộ; 4.968 hộ nghèo do không có lao động; 3.482 hộ do không có công cụ/phương tiện sản xuất; 2.849 hộ do không có kỹ năng lao động, sản xuất; 2.262 hộ do không có kiến thức về sản xuất; 1.578 hộ do không có vốn sản xuất, kinh doanh; 910 hộ do không có đất sản xuất và 6.991 hộ do nhiều nguyên nhân khác.
Trên cơ sở thực trạng các nguyên nhân nghèo, các địa phương đã rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và thành viên trong hộ để có giải pháp cụ thể. Trong đó, bố trí đất sản xuất cho 379 hộ nghèo, cận nghèo; chuyển đổi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề cho 8.754 người lao động; giới thiệu việc làm cho 2.382 người lao động; hỗ trợ 29 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động; hỗ trợ 4.085 hộ vay vốn; hỗ trợ 10.389 hộ tham gia các dự án phát triển sản xuất cộng đồng, liên kết theo chuỗi giá trị...
Để công tác giảm nghèo đạt chỉ tiêu đề ra, đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với huyện An Lão nhanh chóng giao đất sản xuất cho 379 hộ nghèo, cận nghèo và phải hoàn thành trước tháng 9.2024. Đồng thời nhấn mạnh, vấn đề căn cơ, quan trọng để thoát nghèo bền vững là phải giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cộng đồng, sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Đặc biệt, phải rà soát chặt chẽ từng vấn đề của từng hộ ở từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
“Với nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện như chính sách hỗ trợ BHYT, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo... chúng ta đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Vấn đề bây giờ là phải triển khai thực hiện sao cho đồng bộ, đạt hiệu quả tốt nhất. Tôi tin với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu đã đề ra”, đồng chí Lâm Hải Giang khẳng định./.
Thu Hương
Từ khóa:
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25
-
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
12-11-2024 17:27 08
-
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
12-11-2024 14:29 01