Xã hội
Bình Thuận: Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện chương trình giảm nghèo
05:20 PM 23/06/2024
(LĐXH)- Tỉnh Bình Thuận nằm ở cực Nam vùng duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên 7.943,93 km2. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 124 xã, phường, thị trấn; dân số trên 1,2 triệu người với 35 dân tộc, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với trên 24.000 hộ/104.000 khẩu, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế- xã hội, Bình Thuận luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo gắn với nâng cao đời sống nhân dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình giảm nghèo
Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu “Vì một Bình Thuận không còn người đói nghèo”. Đồng thời ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở địa phương, cơ sở, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn về các chính sách giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân tham gia tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Trên cơ sở triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam  tỉnh Bình Thuận và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chương trình phối hợp thực hiện Chương trình   mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo  Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng chức năng có liên quan triển  khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo đảm bảo đúng đối tượng; đồng thời thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện để làm cơ sở tổng hợp báo cáo cho UBND tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.
Tỉnh chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn được giao cho tỉnh Bình Thuận năm 2022 là 25,2 tỷ đồng; năm 2023 là 61,4 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 15,636 tỷ đồng/86,687 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch. Trong đó, đối với nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 giải ngân là 7,750 tỷ đồng/25,203 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,75% kế hoạch giao năm 2023; Đối với nguồn vốn của năm 2023, giải ngân được 7,886 tỷ đồng/59,440 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,26% kế hoạch giao năm 2023.
Trong công tác truyền thông; kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã lắp đặt 06 pa nô truyền thông về giảm nghèo; cấp phát 365 bộ tài liệu hướng dẫn triển khai các văn bản của Trung ương về thực hiện Chương trình; 1.200 bộ tài liệu hướng dẫn chính sách, cơ chế tài chính thực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; 24.000 tờ rơi truyên truyền về công tác giảm nghèo; 1.000 cuốn sổ tay nghiệp vụ về giảm nghèo… Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan đã làm việc tại UBND 09 huyện, thị xã, thành phố (trừ Phú Quý) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kịp thời hướng dẫn theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện giám sát tại các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, lũy kế đến ngày 31/12/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 3.986 hộ nghèo vay 181,7 tỷ đồng, 10.022 hộ cận nghèo vay 458,4 tỷ đồng, 19.828 hộ mới thoát nghèo vay 739,8 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cấp 56.921 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Thực hiện đảm bảo việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, trong năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động được 22,733 tỷ đồng/9,5 tỷ đồng, đạt 239,3% (trong đó cấp tỉnh 8,860 tỷ đồng/2,2 tỷ đồng, đạt 402,73%, cấp huyện và xã 13,873 tỷ đồng/7,3 tỷ đồng, đạt 190,04%). Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo với 7.083 phần quà cho tín đồ, nhân dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn với tổng trị giá 2,81 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đã xây dựng được 138 căn nhà và sửa chữa 08 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng số tiền 8,992 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức tuyển mới đào tạo nghề cho 244 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trung tâm trợ giúp pháp lý cấp tỉnh, huyện đã  trợ giúp pháp lý miễn phí, kịp thời cho người nghèo trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính và các lĩnh vực khác.
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, cuối năm 2023, tỉnh Bình Thuận còn 6.621 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,96%, giảm 0,62% so với tỷ lệ hộ nghèo đầu năm (2,58%); Hộ cận nghèo còn 12.203 hộ, chiếm 3,62%, giảm 0,65% so với tỷ lệ hộ cận nghèo đầu năm (4,27%). Để triển khai công tác giảm nghèo một cách đồng bộ, hiệu quả, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc miền núi. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án; xây dựng các mô hình giảm nghèo thực tế, hiệu quả để áp dụng tại các địa phương./.
Hồng Phượng