Lao động
Cà Mau: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm bền vững
03:24 PM 17/12/2024
(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệ là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao kỹ năng, tay nghề, giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Năm 2024, Cà Mau đặt mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 300 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, và hộ mới thoát nghèo có cơ hội kết nối việc làm thành công. Đây là một bước tiến quan trọng, nhằm cung cấp cho người lao động các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để họ có thể tự lực trong quá trình mưu sinh. Tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp địa phương và các cơ sở đào tạo nghề để mở rộng cơ hội cho lao động nghèo tiếp cận thị trường việc làm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Trung tâm đã thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc, đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động như: ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm; Tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo trực tiếp với người lao động; Đăng tải thông tin tuyển dụng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp, tích cực liên hệ với các doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động. Qua đó, đã giúp người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm trước yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tính đến 16/12/2024, Trung tâm đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 26.535/13.000 lượt người, đạt 204% kế hoạch, tăng 55,5% so với cùng kỳ. Cùng với đó, có 840 người có nhu cầu đăng ký tìm việc (gồm 111 người nộp hồ sơ tìm việc làm trong nước và 729 người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài).
Ngày hội kết nối việc làm tỉnh Cà Mau năm 2024
Trong năm 2024, Cà Mau có 549/450 đơn hàng của các doanh nghiệp với 12.804 vị trí cần tuyển dụng. Trong đó, trong tỉnh có 91 đơn hàng với nhu cầu tuyển 1.645 lượt người; ngoài tỉnh 27 đơn hàng với nhu cầu tuyển 7.131 lượt người; xuất khẩu 431 đơn hàng với nhu cầu tuyển 4.028 lượt  người. Kết nối việc làm thành công cho người lao động trong nước 65/60 người (trong tỉnh 65; ngoài tỉnh 0), đạt 108,3% kế hoạch.
Công tác thông tin thị trường lao động luôn được đơn vị chú trọng, ngày càng hoàn thiện và phát triển hiệu quả hoạt động của trang Website, fanpage, Facebook để đăng tải thông tin giúp doanh nghiệp và người lao động thuận tiện truy cập và tra cứu thông tin về thị trường lao động
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cà Mau vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Hiện nay, tiến độ giải ngân Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 4 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chưa thực hiện được. Đối với kinh phí thực hiện tiểu Dự án 3 thuộc Dự án 4 CTMTQG chuyển sang thực hiện năm 2024 còn lại số tiền là 4.545.027.232 đồng; đã hết thời gian thưc hiện chi, nên Trung tâm có Công văn số 629/TTDVVL về việc xin điều chuyển kinh phí tiểu Dự án 3 thuộc Dự án 4 CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 chuyển sang năm 2024 về văn phòng giảm nghèo. Đồng thời phối hợp với phòng Giáo dục nghề nghiệp và việc làm thuộc Sở Lao động TB&XH thực hiện các nội dung công việc theo tinh thần kế hoạch số 21/KH-BCĐ ngày 09/10/2024 của Sở Lao động TB&XH tỉnh Cà Mau về việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm DVVL Cà Mau cho biết, trong thời gian tới, Cà Mau đặt mục tiêu tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước cho 15.000 lượt người; Kết nối việc làm thành công cho lao động trong nước cho 70 lượt người; ngoài nước cho 700 lượt người; Tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm, trong đó (10 phiên trực tiếp, 10 phiên trực tuyến) hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến... Bên cạnh đó, địa phương đặc biệt chú trọng công tác tăng cường thu thập thông tin thị trường lao động, khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc làm của người lao động giúp người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp với nhu cầu của bản thân, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo dõi giám sát tình trạng việc làm của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm; Thực hiện tốt chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm để góp phần duy trì việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. 
Nguyễn Thị Hà Giang
Từ khóa: