Tiễn đưa hàng nghìn đồng loại về nơi an nghỉ
Tại chùa Tề Đồng Vật Ngã, trên phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nơi an nghỉ của hơn 10.000 thú cưng, hình ảnh chú chó Cô Lai (28 tuổi) dẫn đầu đoàn tiễn đưa các thú cưng đã mất về phía lò hỏa thiêu đã trở thành một cảnh tượng quen thuộc.
Chú chó này mặc chiếc áo thêu pháp danh "Luân Hồi Sứ Giả", đeo vòng hoa trang trọng và tham gia vào các nghi thức tiễn đưa linh hồn các bé chó mèo. Một vị khách chia sẻ: "Khi nhìn thấy Cô Lai, thật khó tin rằng chú đã hơn 100 tuổi nếu tính theo tuổi người".


Ông Nguyễn Bảo Sinh (88 tuổi, chủ nghĩa trang thú cưng) cho biết, Cô Lai có một nhiệm vụ đặc biệt hàng ngày: tiếp dẫn linh hồn các thú cưng đã qua đời, giúp chúng siêu thoát và tìm đến cõi vĩnh hằng.
Nhiệm vụ của Cô Lai là nằm nghe cầu siêu, đọc kinh phật và sau đó, chú sẽ dẫn đầu đoàn đưa những người bạn đã mất đi hỏa táng. Theo ông Sinh, ngày trước, chú có thể chắp tay lễ trước ban thờ như con người. Vào những dịp 49 ngày, 100 ngày hoặc ngày Lễ, Cô Lai còn ngồi làm lễ cầu siêu cho các thú cưng, nhưng giờ đây, do chú đã cao tuổi nên chỉ có thể nằm lắng nghe.
Ông Sinh cho biết, dịp đầu năm mới, ông lại tổ chức lễ cầu an cho riêng Cô Lai nhằm tri ân sự đồng hành của chú chó này với ông qua nhiều năm. “Cô Lai ở ngôi chùa mà người và vật bình đẳng, do đó, bạn ấy cũng sẽ được làm lễ, mặc áo, đội mũ, nghe mọi người tụng kinh cầu an như cho con người. Sau khi lễ kết thúc, Cô Lai sẽ được cho ăn một số món ăn ưa thích”, ông Sinh nói.
Chủ nghĩa trang thú cưng cho biết, ông không hề có ý định dạy Cô Lai trở thành Luân Hồi Sứ Giả hay thành lập ngôi chùa này, tất cả đều đã được định sẵn. “Ngày tôi bắt đầu nuôi Cô Lai, chú chó này cứ tự nguyện đi theo trong quá trình tôi làm lễ cầu siêu và đưa tiễn các bạn thú cưng về nơi an nghỉ cuối cùng. An táng xong, Cô Lai lại vào trong nhà để nghe lễ cầu siêu. Từ đó, tôi mới đặt tên pháp danh cho bạn ấy là Luân hồi sứ giả”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, Cô Lai là giống chó Border Collie sinh năm 1997, được ông nuôi hơn 20 năm trước. Do vậy, ông Sinh xem chú chó như tri kỉ và coi việc chăm sóc chú là một duyên phận. Khi qua đời, ông mong được an táng cùng Cô Lai và chôn tại nơi chú đã gắn bó suốt gần 3 thập kỷ.


Niềm an ủi cho chủ nhân thú cưng qua đời
Mỗi ngày tại chùa Tề Đồng Vật Ngã, ngoài việc tham gia các nghi lễ tiễn đưa linh hồn các thú cưng đã qua đời, chú chó đặc biệt này sẽ đi quanh chùa để canh chừng và bảo vệ những ngôi mộ của các bạn thú cưng.
Chú còn thường nằm giữa chính điện, khi có khách đến thăm, Cô Lai ngay lập tức chạy ra đón. Chủ nghĩa trang cho biết, chú chó luôn mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp và là một phần không thể thiếu trong không khí tôn nghiêm của ngôi chùa.
Quỳnh Trang (18 tuổi - Long Biên, Hà Nội ) - chủ nhân của một chú chó vừa qua đời cho biết: “Khi tôi tới đây để tiễn đưa chú chó cưng của mình, tôi đã khóc rất nhiều. Cô Lai đã tới liếm và dụi đầu vào tay tôi như đang an ủi vậy. Điều đó khiến tôi cảm thấy nguôi ngoai phần nào”.

Chị Trà, nhân viên tại nghĩa trang, chia sẻ: “Tôi đã chăm sóc Cô Lai hơn 10 năm và tin rằng không có chú chó nào giống vậy. Dù tuổi cao, chân viêm khớp không ngồi lâu được nhưng Cô Lai vẫn hoàn thành sứ mệnh cả đời, tiễn đưa các thú cưng đi hỏa táng. Đối với tôi, chú chó như một người bạn thân thiết”.
Chị Trà cho biết, mặc dù Cô Lai đã cao tuổi nhưng vẫn ăn uống bình thường và được nhiều người cho lộc khi đến thắp hương. “Người ăn gì thì bạn ấy ăn theo như vậy. Trong suốt nhiều năm qua, bạn ấy cũng rất ít khi ốm”, chị Trà nói.
Theo chị Trà, từ lúc làm việc tại đây, chị chưa từng thấy chú chó nào thọ được 28 tuổi như Cô Lai. Tuy nhiên, do tuổi của Cô Lai khá cao nên chị Trà cũng hay cho chú ăn thêm canxi để bồi bổ sức khỏe. Do vậy, mắt của Cô Lai vẫn rất sáng, tai thính, chỉ cần gọi tên là biết. Chị tin rằng nhờ môi trường thanh tịnh và một lý do tâm linh nào đó đã giúp cho Cô Lai vẫn khỏe mạnh và sống lâu.
Chốn yên nghỉ của gần 10.000 thú cưng
Chùa Tề Đồng Vật Ngã, xây dựng từ năm 1970 trên diện tích 2.000m2, là nơi an nghỉ của gần 10.000 thú cưng. Tại đây, thú cưng đều được hỏa táng trang nghiêm. Gia đình có thể chọn rải tro cốt xuống hồ (thủy táng) hoặc giữ lại trong chùa, đặt trong mộ riêng với di ảnh và bát hương. Dịch vụ này có mức phí từ 8 triệu đồng, bao gồm cả lập bia mộ và chăm sóc.
Chùa cũng có “đài hóa thân hoàn vũ” để hỏa táng và Lầu Thuỷ táng để rải tro xuống hồ Thanh Tịnh. Với tên gọi Tề Đồng Vật Ngã, chùa mang ý nghĩa về sự bình đẳng giữa người và vật, theo quan điểm Phật giáo. Nhiều người vẫn thường xuyên thăm mộ thú cưng đã mất, dù sau này nuôi những con thú mới.
-
Động viên bệnh nhân giảm béo, bác sĩ phẫu thuật giảm 25kg trong 42 ngày
19-02-2025 10:30 37 -
Nhân viên Gen Z Hàn Quốc lười biếng, thiếu trách nhiệm với công việc?
19-02-2025 10:30 25 -
Biến chứng cúm mùa 'không tha' người trẻ khỏe
19-02-2025 07:32 55
-
Hàn Quốc thử nghiệm công cụ phát hiện sớm bạo lực hẹn hò
17-02-2025 11:49 50 -
Đăng video cãi nhau với cảnh sát lên TikTok, người đàn ông bị bỏ tù
16-02-2025 14:38 53 -
Cặp đôi bị đuổi khỏi máy bay vì cởi đồ, gây rối
16-02-2025 08:28 31