Sức khỏe - Đời sống
'Đám tang vui vẻ': Tôn trọng người đã chết hay thô lỗ?
07:41 AM 18/02/2025
(LĐXH) Gia đình có thể hát karaoke, ăn kem… trong những “đám tang vui vẻ” để tưởng nhớ tới người đã khuất.

Trong cuộc sống, ông Wee Chwee Beng là một người đam mê chơi golf, yêu thích những phút giây thư giãn trên sân cỏ cùng bạn bè. Sau đó kết thúc ngày bằng một bữa tối thịnh soạn và một ly rượu mạnh.

Vì vậy, sẽ không có gì lạ khi ông Wee được chuẩn bị cho hành trình cuối cùng của mình với hình ảnh mặc quần kẻ dài, đội chiếc mũ yêu thích, tay cầm một cây gậy đánh golf. Điều này cho thấy như ông đang sẵn sàng thực hiện một cú đánh cuối đời của mình.

“Golf luôn là một phần quan trọng trong cuộc đời ông ấy. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng đó là điều ông sẽ muốn được gắn liền, nhớ tới. Sau tất cả, rất nhiều bạn bè của ông cũng là những người chơi golf”, Thomas Wee, con trai út của ông Wee chia sẻ.

Anh mô tả cha mình là một người tràn đầy năng lượng, luôn mang lại niềm vui ở bất cứ nơi đâu, luôn đảm bảo bạn bè của mình được quan tâm chu đáo.

Một tang lễ mang màu sắc kỷ niệm

Để tôn vinh cuộc đời trọn vẹn mà ông Wee đã sống, gia đình đã biến tang lễ của ông thành một sự kiện đầy màu sắc và mang tính tương tác. Trong buổi lễ, họ sắp xếp những bức ảnh kỷ niệm từ các chuyến du lịch gia đình và những buổi tụ tập cùng bạn bè, cũng như đặt một cái cây - nơi khách viếng có thể viết lời tưởng nhớ tới người đã khuất. Loại rượu whisky yêu thích của ông Wee được đặt bên chân dung và phục vụ cho khách tới dự buổi lễ.

“Dù rất buồn khi phải tiễn biệt ông nhưng đây không phải là một dịp u sầu. Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ muốn chúng tôi tiếp tục 'di sản' của mình là mang lại niềm vui cho mọi người. Ông ấy chắc chắn cũng muốn bạn bè và gia đình vui vẻ tại tang lễ của mình”, ông Thomas Wee chia sẻ.

Để tiễn biệt cha theo phong cách phù hợp với tính cách sôi nổi của ông, gia đình đã thuê dịch vụ từ The Life Celebrant, một công ty chuyên tổ chức tang lễ cá nhân.

Bà Angjolie Mei - người sáng lập công ty cho biết, nhu cầu cho những dịch vụ như này ngày càng gia tăng khi nhiều người dần chấp nhận sự đau buồn và niềm vui, cũng như việc tưởng nhớ và tiếc thương có thể tồn tại song song.

Sự thay đổi trong cách tổ chức tang lễ

Một đám tang khác được trang trí đúng sở thích của người quá cố. Ảnh: Direct Funeral Services.

“Hai mươi năm trước, khi tôi mới bước chân vào ngành này, tôi luôn tự hỏi tại sao mọi đám tang đều giống nhau với đầy nước mắt, những bài kinh cầu tụng. Mọi người chỉ đơn thuần làm theo nghi thức mà không có điều gì thực sự gắn kết với người đã khuất”, bà Mei nhớ lại.

Bà chia sẻ, chính cái chết của cha mình, ông Ang Yew Seng – một người tiên phong trong ngành tang lễ Singapore – đã khiến bà quyết định bước vào lĩnh vực này.

Ngày nay, việc sử dụng ảnh và video trong tang lễ đã trở nên phổ biến, nhưng bà Mei muốn đi xa hơn bằng cách thêm vào những chi tiết thể hiện cá tính của người đã khuất. Chẳng hạn, họ có thể tổ chức hát karaoke cho những người yêu âm nhạc hoặc phục vụ kem cho những ai thích đồ ngọt.

Ngoài ra, bà còn khuyến khích gia đình soạn danh sách những bài hát yêu thích của người quá cố, cũng như chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt, những khoảnh khắc hài hước và chia sẻ những lời chân thành về họ.

“Tôi tin rằng tang lễ không nên chỉ là một ngày trong cuộc đời mà là cả một cuộc đời gói gọn trong một ngày”, bà Mei nói.

Bà cho rằng sự gia tăng của những tang lễ cá nhân hóa bắt nguồn từ sự thay đổi trong tư duy của thế hệ mới. Họ đón nhận một kiểu chia tay mà họ thấy ý nghĩa hơn.

Xu hướng "đám tang hạnh phúc"

Ban nhạc tang lễ tiếp nhận yêu cầu bài hát từ khách mời và khuyến khích họ hát theo để tưởng nhớ người đã khuất. Ảnh: Lianhe Zaobao.

Ông Roland Tay, giám đốc của Direct Funeral Services cũng nhận thấy sự gia tăng của những “đám tang hạnh phúc”. Tại một số khu vực ở Trung Quốc, những tang lễ như vậy thường tổ chức cho những người thọ trên 90 hoặc 100 tuổi.

Jenny Tay (con gái ông Roland Tay), giám đốc điều hành công ty ước tính, họ tổ chức khoảng 4 - 5 đám tang như vậy mỗi tháng. Con số này cho thấy một sự thay đổi đáng kể so với một thập kỷ trước khi mọi đám tang đều rất trang nghiêm, đầy đau buồn.

Âm nhạc cũng đóng một vai trò quan trọng trong những "lễ tang hạnh phúc". Những bài hát sôi động như Mamma Mia của ABBA từng bị xem là không phù hợp cho tang lễ giờ đây đã vang lên tại nhiều nhà tang lễ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với xu hướng này. Một số cư dân mạng bày tỏ sự phản đối cho rằng: “Hát vui vẻ trong đám tang thật không phù hợp”.

Ông Alvin Khoo, người sáng lập Singapore Funeral Live Band, vẫn giữ vững lập trường. “Dù làm gì cũng luôn có người ủng hộ và người phản đối, đặc biệt khi bạn đang làm điều gì đó khác biệt. Quan trọng là bạn không làm hại ai và lương tâm mình trong sáng”.

Bà Mei cũng từng bị chỉ trích khi thành lập The Life Celebrant vào năm 2010. “Nhiều người hỏi tôi: Có gì mà phải ăn mừng? Tại sao lại ăn mừng cái chết?", bà Mei nói.

Nhưng bà tin rằng tập trung vào những điều tích cực là cách tốt nhất để đối mặt với sự mất mát. “Khi tôi dự một tang lễ ở New Zealand, tôi không biết gì về người quá cố ngoài việc bà ấy yêu thích màu hồng. Nhưng khi buổi lễ kết thúc, tôi đã biết được câu chuyện cuộc đời bà ấy. Có nước mắt, có tiếng cười, nhưng ai cũng cảm thấy nhẹ lòng khi ra về”.

Nhiều chuyên gia trong ngành vẫn cho rằng phải mất một thời gian dài trước khi xu hướng “đám tang hạnh phúc” được đón nhận rộng rãi ở Singapore.

Ông Calvin Tang, quản lý của Singapore Casket, tin rằng “đám tang hạnh phúc” thực sự là khi những mong muốn của người quá cố được tôn trọng. Bà Mei cũng đồng tình, cho rằng không nên gọi đây là “đám tang hạnh phúc”, mà thay vào đó là “đám tang mang lại nhiều niềm an ủi hơn”.

Ông Wee Thomas chia sẻ rằng việc tổ chức tang lễ theo cách này đã giúp gia đình vượt qua nỗi đau. “Chúng tôi rất buồn, nhưng tang lễ đã giúp chúng tôi trân trọng cuộc đời cha tôi, những gì ông để lại và di sản mà chúng tôi có thể tiếp tục”.

Băng Tâm

Từ khóa: