Chuỗi cà phê Sheroes Hangout ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ đang tạo việc làm cho khoảng 50 phụ nữ từng là nạn nhân của các vụ tấn công bằng axit - một vấn nạn phổ biến trong xã hội Ấn Độ.
Hàng chục nghìn du khách ghé thăm lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng nổi tiếng thế giới Taj Mahal mỗi ngày để chứng kiến câu chuyện tình yêu bất diệt của một vị hoàng đế dành cho người vợ yêu quý nhất. Nhưng chỉ cách đó vài km, có một quán cà phê "kể" những câu chuyện hoàn toàn đối lập. Sheroes Hangout giúp đỡ những phụ nữ từng phải chịu đựng bi kịch và bạo lực. Nhiều người trong số họ bị chính chồng mình tấn công bằng axit. Mỗi năm tại Ấn Độ có hàng trăm vụ tấn công bằng axit được báo cáo. Những vụ việc này thường do đàn ông thực hiện để trả thù vì bị từ chối tình cảm hoặc tranh chấp tài sản trong gia đình.

Vào một buổi chiều mùa thu năm 2024, một nhóm du khách lớn đã ghé thăm quán, chụp ảnh cùng những nhân viên đang tươi cười, mặc áo phông có dòng chữ: "Vẻ đẹp của tôi là nụ cười của tôi".
Những phụ nữ này làm việc tại quán với vai trò phục vụ. Điều này giúp họ tái hòa nhập xã hội. Toàn bộ lợi nhuận được dùng để điều trị và phục hồi cho các nạn nhân bị tạt axit.
Trên tường quán có những bức chân dung của các nạn nhân, ghi lại tên tuổi và câu chuyện của họ. Cái tên Sheroes là sự kết hợp của “She” (cô ấy) và “Heroes” (những người hùng) để thể hiện tinh thần của những người phụ nữ vượt qua nỗi đau để sống tiếp. Quán được thành lập bởi cựu nhà báo Ashish Shukla (34 tuổi).
“Nạn nhân bị kỳ thị vì vẻ ngoài thường bị xã hội xa lánh. Chúng tôi muốn tạo ra một nơi giúp họ lấy lại ý chí sống và có thể tự kiếm sống", Ashish Shukla, đồng sáng lập Sheroes Hangout chia sẻ.
Câu chuyện của Geeta Mahor – nhân viên đầu tiên của Sheroes
Ashish Shukla từng là một nhà báo viết về các vụ tạt axit nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Ban đầu, anh nghĩ rằng đưa thông tin đến chính quyền là đủ nhưng khi một nạn nhân nói với anh rằng "tôi vẫn đang đói", anh nhận ra rằng mình cần làm nhiều hơn thế.
Shukla gặp Geeta Mahor (53 tuổi), sống ở Agra, một nạn nhân đang gặp khó khăn tài chính và muốn bắt đầu một công việc kinh doanh. Câu chuyện của người phụ nữ này đã truyền cảm hứng để mở quán cà phê Sheroes.
Khi Mahor hơn 20 tuổi, chồng cô – một kẻ nghiện rượu – đã tạt axit vào mặt khi Mahor đang ngủ cùng hai con gái nhỏ. Sau vụ tấn công, cô bị bỏng nặng còn con gái 2 tuổi bị mù cả hai mắt. Con gái 1 tuổi không qua khỏi sau 2 tháng chống chọi với vết thương.
Mahor cố gắng kiếm việc làm nhưng bị từ chối vì khuôn mặt biến dạng. Cô phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, cuộc sống ngày càng khó khăn.
“Sau vụ tấn công, tôi phải nằm trên giường suốt 14 tháng. Chồng tôi phủ nhận mọi chuyện, nhưng khi tôi đủ sức để báo cảnh sát, ông ta đã bị phạt 3 năm tù”, Geeta Mahor kể lại.
Năm 2014, Mahor trở thành nhân viên đầu tiên của Sheroes Hangout. Hiện tại, quán có khoảng 8 nạn nhân làm việc. Hai chi nhánh khác tại Uttar Pradesh đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 phụ nữ là nạn nhân khác.

Những con số đáng báo động về các vụ tạt axit ở Ấn Độ
Sudha Devi, một nhân viên khác tại Sheroes kể rằng vào năm 2013, khi bà đang ngủ cùng con, một người đàn ông lạ mặt tạt axit lên hai mẹ con.
Devi là góa phụ. Sau khi chồng mất, bà quay về mảnh đất cha mẹ để lại. Gia đình bên nội không muốn bà thừa hưởng đất nên đã thuê người tấn công bà. Devi bị hủy gần như toàn bộ khuôn mặt vì bỏng axit.
Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, năm 2022 có khoảng 200 vụ tấn công bằng axit được ghi nhận. Nhưng Shukla khẳng định con số thực tế cao hơn nhiều vì nhiều trường hợp không được báo cáo. Tuy cũng có đàn ông là nạn nhân, nhưng phụ nữ vẫn là đối tượng bị tấn công nhiều nhất.
Giúp nạn nhân khởi nghiệp
Tại Sheroes, các nhân viên còn được dạy tiếng Anh, thủ công mỹ nghệ và kỹ năng sống để có thể tự lập hơn. "Kế hoạch tiếp theo của chúng tôi là giúp các nạn nhân mở doanh nghiệp riêng", Ashish Shukla nói.
Sheroes dự định mở thêm một quán tại thủ đô New Delhi. Nhưng Shukla cho rằng nếu chính phủ không cấm triệt để việc bán axit, các vụ tấn công vẫn sẽ tiếp diễn.
Geeta Mahor nói rằng bà không thể thay đổi quá khứ, nhưng vẫn sẽ tiếp tục làm việc để lo cho con gái của mình.
"Tôi đã sống với khuôn mặt này. Tôi muốn con gái tôi có một cuộc đời tươi đẹp. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", Geeta Mahor bày tỏ.
Băng Tâm
-
Bệnh nhân ép y tá quỳ gối xin lỗi vì chảy máu khi rút kim
21-02-2025 07:39 47 -
Tại sao xã hội Hàn Quốc lại quá khắc nghiệt với người nổi tiếng?
21-02-2025 07:39 24 -
Hiểu lầm tài xế taxi bắt cóc, nữ sinh viên tử vong khi nhảy khỏi xe
20-02-2025 17:30 05
-
Ham rẻ khi làm má lúm đồng tiền, cô gái suýt mất mạng
19-02-2025 18:21 59 -
Chuỗi cà phê chuyên thuê nạn nhân bị tạt axit làm nhân viên
19-02-2025 18:20 54 -
Giáo viên tiểu học Hàn Quốc gây sốc vì cười lớn sau khi đâm chết học sinh 8 tuổi
19-02-2025 18:19 55