Xã hội
Chuyện về tấm gương thương binh ở Trà Vinh làm theo lời Bác dạy
01:56 PM 18/06/2019
(LĐXH)- Thương binh Tô Văn Thật ở khóm 5, thị trấn Cần Quan, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) là một tấm gương sáng ở địa phương, nỗ lực vượt mọi khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi được mọi người cảm phục.
Sinh năm 1960 ở thị trấn Cầu Quan, năm 20 tuổi, chàng trai trẻ Tô Văn Thật đã giác ngộ sự nghiệp cách mạng theo truyền thống của gia đình và địa phương, tình nguyện đăng ký đi nghĩa vụ quân sự làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia đánh đuổi chế độ Pôn Pốt, giải phóng khỏi nạn chủng, thống nhất đất nước.
Lúc đó, người chiến sĩ trẻ Tô Văn Thật được biên chế tại đơn vị C20, E20, F4 Quân khu 9 đóng tại tỉnh Kô Công với cấp bậc hạ sĩ, làm y tá tại đơn vị.
Vườn cây ăn trái đã giúp thương binh Tô Văn Thật vươn lên phát triển kinh tế (Ảnh minh họa)
Ông nhớ lại: “Đến tháng 10/1982, say lần đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận chiến dịch mùa khô truy quét tàn quân Pôn Pốt tại đồi Không tên, giáp biên giới Thái Lan. Lúc tham gia chiến đấu, tôi không may giẫm phải mìn. Sau đó tôi được đơn vị đưa về Bệnh viện Quân y thành phố Phnom Penh, rồi tiếp tục chuyển về Quân y viện 121 thành phố Cần Thơ điều trị. Khi vết thương lành, tôi được đơn vị Đoàn 44 cho xuất ngũ phục viên về địa phương với tỷ lệ thương tật 61%”.
Sau khi xuất ngũ, ông trở về sống với cha mẹ già và người vợ trẻ kết hôn trước khi đi làm nghĩa vụ quốc tế. Thời gian này, kinh tế gia đình hết sức khó khăn, bản thân ông tuy còn trẻ nhưng vết thương thường xuyên tái phát nên thi thoảng đau ốm.
Tuy nhiên, thấm nhuần lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Tô Văn Thật đã cố gắng vươn lên, vượt qua những đau đớn để lao động, làm kinh tế. Ông bảo “ở chiến trường không khuất phục kẻ thù thì người lính khi trở về đời thường hà cớ gì lại cam chịu khó khăn. Lao động cũng là cách rèn luyện bản thân để khỏe mạnh hơn, không ỷ lại ăn bám gia đình và Nhà nước”.
Với 8.000 mét vuông đất ông nhận thầu lại của địa phương, trong đó 3.000 mét vuông đất vườn và 5.000 mét vuông đất trồng lúa, ông đã cùng gia đình không quản ngày đêm “tay cày tay cuốc”.
“Năm 1984 và những năm sau đó, vợ chồng tôi sinh các cháu nên kinh tế thêm phần khó khăn, nhưng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân, tôi luôn hăng say lao động, làm kinh tế để bảm đảm cuộc sống của gia đình, nhất là những đứa con thơ. Đến nay, gia đình tôi có được 3.000 mét vuông đất vườn trồng cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi bò nên cuộc sống đã tương đối ổn định” – thương binh Tô Văn Thật nói.
Thương binh Tô Văn Thật cùng người dân địa phương luôn tích cực đóng góp xây dựng thị trấn Cầu Quan ngày càng văn minh, hiện đại
Bên cạnh phát triển sản xuất, xác định việc học hành của con cái là quan trọng, vì thế vợ chồng ông luôn giáo dục và tạo điều kiện để các con được học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định, nối tiếp sự nghiệp cách mạng của gia đình và địa phương. Ông có 2 người con, giờ đều đã trưởng thành, có cuộc sống hạnh phúc, đóng góp tích cực cho địa phương.
Bản thân thương binh Tô Văn Thật hiện nay với trọng trách là Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thị trấn Cầu Quan, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sống gần gũi, thân ái và thường xuyên giúp đỡ, động viên các hội viên vươn lên trong cuộc sống. Ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động của địa phương.
Ông tích cực vận động các hội viên và mọi người dân thị trấn cần không ngừng tham gia học tập, lào động để làm giàu cho bản thân và đất nước, góp phần cùng địa phương giữ vững danh hiệu Khóm văn hóa và Thị trấn văn hóa.
Trong quá trình tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như công tác tại địa phương, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III; Kỷ niệm chương 15 năm của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tỉnh hội, Huyện hội./.
Hồng Minh
Từ khóa: