Xã hội
Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thành phố Hà Nội và các địa phương đặc biệt chú trọng
02:17 PM 05/10/2024
(LĐXH)-Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đã được thành phố Hà Nội và các địa phương đặc biệt chú trọng. Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động hỗ trợ người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao sức khỏe tinh thần tại cộng đồng.
Từ xưa đến nay, người cao tuổi luôn có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Vai trò của người cao tuổi trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số là vô cùng quan trọng.
Theo thông tin từ Cục Dân số Hà Nội, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già từ năm 2011 và dự báo sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2036 với tỉ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Tại Hà Nội, tỉ lệ người cao tuổi cũng đang tăng rất nhanh, đòi hỏi những chính sách, biện pháp phù hợp và kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chi cục Dân số Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh các đợt chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương trong toàn Thành phố đến sức khỏe người cao tuổi, qua đó, giúp họ được tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người cao tuổi được tư vấn sức khoẻ và tầm soát các bệnh tuổi già

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, Thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Cụ thể, năm 2023, 42 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng đã được triển khai tại 42 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe cũng được thành lập tại 40 xã của 9 huyện. Kết quả, tỉ lệ khám sức khỏe thông thường định kỳ cho người cao tuổi năm 2023 đạt 88,79% (tăng 2,4% so với năm 2022 và vượt chỉ tiêu Thành phố giao).
Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ giai đoạn 2022 - 2024.
Dự án này đã lựa chọn phường Bồ Đề (quận Long Biên) và xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) để triển khai, hướng dẫn các bài tập tránh ngã cho người cao tuổi với mong muốn hỗ trợ họ sống vui, sống khỏe, sống có ích.
“Các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người cao tuổi được tổ chức mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng dân số” - ông Trần Văn Chung nhận định.
Các địa phương thường xuyên triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Các cấp Hội người cao tuổi trên toàn Thành phố còn lồng ghép phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” với công tác dân số để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, khu dân cư. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều Hội viên người cao tuổi tiêu biểu trong vận động nhân dân, con, cháu thực hiện tốt chính sách dân số. Các cụ luôn xác định đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, vận động con cháu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, coi việc thực hiện tốt công tác dân số là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên chi hội người cao tuổi. Trong các buổi sinh hoạt, Hội người cao tuổi dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác dân số. Sự “vào cuộc” tích cực của các cụ cao tuổi đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số của toàn Thành phố.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi để người cao tuổi yên tâm “sống vui, sống khỏe, sống có ích” thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như: Luật người cao tuổi; Quyết định 7618/QĐ-BYT của Bộ Y tế phê duyệt đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025, QĐ số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ v/v phê duyệt chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; QĐ số 403/QĐ-BYT của BYT ban hành KH hành động thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND triển khai Đề án Chăm sóc Sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 của Thành phố HN....với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và SKSS, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, với chi phí và hình thức phù hợp.
Ngoài ra, thành phố còn triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm nâng cao sức khỏe về cả thể chất và tinh thần đối với người cao tuổi tại cộng đồng…
Mỹ Hằng