Xã hội
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
11:13 AM 25/11/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững.
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã thực hiện được 77 dự án hỗ trợ phát triển xuất nông nghiệp
từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo
Tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tham mưu cụ thể hóa theo thẩm quyền cấp tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ, hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện. Đối với Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Dự án 3, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cấp tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết, 01 Quyết định và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn, trả lời các kiến nghị đề xuất của các địa phương theo thẩm quyền và ban hành Kế hoạch thực hiện giám sát, đánh giá triển khai thực hiện Tiểu dự án.
Tổng vốn giao trong 03 năm thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là 39,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 36 tỷ đồng, ngân sách địa phương 3,6 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2024, tỉnh đã giải ngân được 12,087/39,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,47% kế hoạch vốn giao (riêng huyện Đắk Rlấp, Đắk Song và thành phố Gia Nghĩa chưa triển khai thực hiện). Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn còn lại.
Các đơn vị, địa phương được giao vốn đã tiến hành các bước lựa chọn loại hình dự án,  địa bàn hỗ trợ; thành lập nhóm cộng đồng dân cư. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã thực hiện được 77 dự án, trong đó có 28 dự án hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt (vật tư phân bón, máy móc, công cụ sản xuất) và 49 dự án hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi (dê, bò, gà, ngan, heo lai rừng); Tổng số hộ hưởng lợi là 1.575 hộ (909 hộ nghèo, 466 hộ cận nghèo, 170 hộ mới thoát nghèo và 30 hộ là đối tượng khác).
Ngoài ra, còn tổ chức 09 lớp tập huấn, tư vấn về hỗ trợ phát triển sản xuất, quản lý tiêu thụ nông sản thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả cho 361 đối tượng tham gia.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 nói chung và Tiểu dự án 1 - Dự án 3 nói riêng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng dân cư.
Hộ nghèo được hỗ trợ vật tư, phân bón để phát triển sản xuất nông nghiệp
Việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án đều có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng; các đối tượng tham gia được đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, được kiểm tra, giám sát các nội dung, hoạt động; được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao trình độ, từng bước thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần và giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Tiểu dự án 1 - Dự án 3 chủ yếu giao cấp xã làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí khá lớn và nhiều quy định khác nhau giữa các chương trình nên đa số các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng có nhu cầu, nguyện vọng và đủ điều kiện hỗ trợ; lựa chọn đại diện cộng đồng dân cư có uy tín, có khả năng triển khai thực hiện các nội dung dự án được phê duyệt; cộng đồng dân cư chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, năng lực và các điều kiện cần thiết trong việc tự thực hiện các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định…
Thêm nữa, đối tượng hưởng lợi của Tiểu dự án là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ yếu tập trung tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc đối ứng kinh phí ngoài khoản hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cũng như thu hồi một phần vốn hỗ trợ khi tham gia dự án gặp khó khăn. Do không quy định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng tham gia dự án nên các đơn vị được giao kinh phí gặp khó khăn trong triển khai thực hiện; có sự chênh lệch mức hỗ trợ cho cùng một đối tượng trên cùng một địa phương khi tham gia hai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất khác nhau, tạo nên sự so sánh giữa các đối tượng tham gia dự án.
Trong năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Hỗ trợ phát triển sản xuất có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Tập trung hỗ trợ nhóm hộ nghèo có lao động bằng cách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp kiến thức, tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm cho người lao động thuộc hộ nghèo trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương. Tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực
nông nghiệp đã triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện sẵn có của đối tượng tham gia dự án, phù hợp tiềm năng lợi thế của địa phương.
Về huy động vốn, lồng ghép nguồn lực, ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, phù hợp với tình hình thực tế và vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ. Lồng ghép nguồn lực thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG khác trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.
Tỉnh sẽ tập trung các các nội dung như: Hỗ trợ phát triển, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y và hỗ trợ khác theo quy định. Hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả./.

Hồng Phượng
 
Từ khóa: