Đồng Nai đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nạn nhân mua bán
(LĐXH)- Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình tội phạm mua bán người ở Đồng Nai đã từng bước kéo giảm; công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương được xử lý kịp thời; các hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát.
Mua bán người vẫn diễn biến phức tạp
Đồng Nai là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ với tổng diện tích tự nhiên là 5.905,7 km², có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 170 xã, phường, thị trấn. Đồng Nai có vị trí quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp tập trung được cấp phép hoạt động với 1.526 dự án của 42 quốc gia và vùng lãnh thổ; thu hút 1.248.000 lao động trong nước và 9.048 lao động nước ngoài.
Dân số toàn tỉnh hiện nay ước tính khoảng 3,3 triệu người, có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh (chiếm 92% dân số), còn lại đồng bào dân tộc thiểu số như: Hoa, Chăm, Khmer, Nùng, Dao, Mạ, Cơ Ho... chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc sống xen kẽ rộng khắp các địa phương trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, thành phố Long Khánh.
Diễu hành cổ động kêu gọi nhân dân hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (ảnh minh họa)
Đặc biệt, hiện nay bọn tội phạm đang nhắm vào một số đối tương là phụ nữ không có việc làm ổn định nhưng thích chơi bời, lêu lổng, sinh viên trong thời gian được nghỉ học cần có việc làm kiếm thêm thu nhập để dụ dỗ, lôi kéo. Chủ yếu nạn nhân bị bắt làm mại dâm, nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn là cả những nam giới và trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, đặc điểm và cách thức kiểm soát nạn nhân của tội phạm mua bán người như: bắt nợ (nạn nhân phải trả khoản chi phí lớn, nạn nhân lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn), cô lập (thu giữ giấy tờ, giam nhốt nạn nhân), bêu xấu, làm nhục, đánh đập, xâm hại tình dục… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, suy nghĩ, quá trình tố giác tội phạm của nạn nhân khi họ được giải cứu.
Theo nhiều chuyên gia, nạn nhân của hành vi mua bán người thường có tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ hãi, ngại tiếp xúc, thay đổi lời khai… Những tác động tâm lý này ảnh hưởng tới quá trình cung cấp thông tin của nạn nhân cho cơ quan chức năng và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ trước pháp luật như: luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý…
Còn nhớ vào tháng 12/2020, Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) tạm giữ 4 đối tượng gồm: Bùi Thị Thủy Triều (30 tuổi, thường trú tỉnh Kiên Giang), Phan Vũ Hải (30 tuổi, thường trú tỉnh Long An), Duy Anh Tuấn (23 tuổi, thường trú tỉnh Phú Yên) và Bùi Thị Trang (24 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) để điều tra về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Các đối tượng này đã lừa bán 2 bé gái là T.T.D. và L.X.N. (cùng 15 tuổi, ngụ tại tỉnh Khánh Hòa) cho nhiều chủ quán karaoke tại một số địa phương như: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã phát hiện 01 vụ mua bán người, bắt 04 đối tượng, giải cứu 02 nạn nhân đưa về với gia đình, tổ chức hỗ trợ theo quy định.
Kịp thời hỗ trợ nạn nhân
Nhằm nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người…
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng trong cán bộ, công chức, viên chức, trong các trường học, công nhân lao động và trên địa bàn dân cư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Chú trọng tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa mua bán người trên các địa bàn dân cư, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người xuất khẩu lao động nhằm nâng cao nhận thức phòng ngừa tại cộng đồng cho các đối tượng có nguy cơ cao. Phổ biến các quy định và luật pháp về phòng, chống mua bán người, cũng như các thủ đoạn của bọn mua bán người để nhằm nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người; nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động, mua bán người thông qua tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài, mua bán nội tạng, mang thai hộ vì mục đích thương mại, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, từ đó giúp họ hiểu biết và có biện pháp né tránh loại tội phạm này.
Thường xuyên lồng ghép các nội dung phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng vào các chương trình trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương. Qua đó, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và các đối tượng có nguy cơ cao tiếp cận kịp thời với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định pháp luật như: chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ ban đầu, vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn năng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, người trực tiếp triển khai thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân ở các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, các cơ quan, ban, ngành liên quan. Đồng thời, duy trì và xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại 05 huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ…
Có thể nói, bằng các hoạt động can thiệp và hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, vay vốn... Qua đó đã giúp nạn nhân bị mua bán sớm hòa nhập cộng đồng, góp phần kiềm chế, giảm tình trạng tái bị mua bán, giảm thiểu tội phạm liên quan đến mua bán người trên địa bàn Đồng Nai.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55