Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, Hà Giang là địa bàn diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Theo thống kê, tại Hà Giang có khoảng 4.000 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có khoảng 1.400 liệt sĩ vẫn nằm lại chiến trường. Cùng với việc triển khai pháp lệnh Ưu đãi người có công, với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa rộng khắp trên các địa bàn, công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ được cấp ủy, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang đã triển khai dự án "Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ", vừa tạo quỹ đất sạch để phát triển kinh tế, vừa tạo điều kiện cho công tác cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ðể thực hiện dự án hiệu quả, Quân khu 2 đã huy động 8 đơn vị, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hơn 1.700 ha đất sạch tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải (huyện Vị Xuyên); giai đoạn 2 hiện đang thực hiện rà phá 1.500 ha tại xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và các xã Tả Ván, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ). Đến tháng 3.2024, hơn 60% diện tích đã được hoàn thành công tác rà phá bom mìn, dò tìm và thu được hơn 15.000 vật liệu nổ như đạn pháo cối; đạn M79; cùng các loại vật liệu nổ khác. Diện tích đất được làm sạch vật cản đến đâu, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được triển khai ngay đến đó dựa trên cơ sở nguồn thông tin của các trận đánh, thông tin của người dân và các cựu chiến binh. Từ năm 2018 đến nay, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được 132 hài cốt liệt sĩ và một mộ tập thể.
Trên thực tế, diện tích bị ô nhiễm bom mìn ở Hà Giang nằm trên những điểm cao, hiểm trở. Bởi vậy, công tác rà phá, làm sạch vật cản là nhiệm vụ đầy thách thức, hiểm nguy. Để thực hiện, không chỉ đòi hỏi phải có bản lĩnh tốt, tinh thần trách nhiệm cao, ý chí kiên cường, dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm cũng như sức khỏe thật tốt mà còn phải nắm thật chắc quy trình, quy tắc bảo đảm an toàn, đặc biệt là phải cẩn trọng, tỉ mỉ, tuyệt đối không được chủ quan. Với sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cán bộ, chiến sĩ công binh, hàng nghìn hécta đất đã được rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương. Từ khi đất sạch mìn, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đến dựng nhà mới, sử dụng đất sạch để trồng ngô, lúa tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo.
“Thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi đã thực hiện tốt công tác truy tìm, rà phá, thu gom, phân loại và xử lý bom mìn, vật liệu nổ. Mong rằng những mảnh đất mà chúng tôi đã đi qua sẽ không còn tiếng nổ của bom mìn để người dân yên tâm lao động sản xuất, bảo vệ và giữ vững biên cương”, Đội trưởng Nguyễn Văn Thông (Đội rà phá vật cản, Lữ đoàn Công binh 543) chia sẻ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đau thương mất mát vẫn không thể nào nguôi, chính quyền và nhân dân Hà Giang luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, huy động mọi nguồn lực để rà phá bom mìn, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Mỗi tấc đất được làm sạch bom mìn, vật nổ không chỉ giúp người dân vùng biên giới có thêm đất sản xuất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Trần Huyền
-
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
06-11-2024 15:27 49
-
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
22-11-2024 14:49 00
-
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
26-11-2024 14:41 29
-
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
25-11-2024 16:34 23
-
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
25-11-2024 16:34 03
-
Hỗ trợ 60 triệu đồng cho hộ người có công khi xây mới nhà ở
25-11-2024 15:37 59