Xã hội
Hậu Giang: Dành mọi nguồn lực cho công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
10:40 AM 22/08/2022
(LĐXH)- Qua 18 năm chia tách, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, chăm lo đối tượng người có công với cách mạng nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao đóng góp to lớn và thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.
Năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong điều kiện nền kinh tế của cả nước nói chung đầy khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng - chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy; sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với tinh thần đột phá, đổi mới, quyết tâm, khát vọng, kinh tế - xã hội Hậu Giang đã có bước chuyển biến đầy khởi sắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 11%, cao thứ 8 cả nước, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người 54,18 triệu đồng. Các hoạt động văn hóa - xã hội được trở lại với diện mạo mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân…
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành tặng quà cho các gia đình người có công dịp 27/7/2022
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang Võ Thị Mỹ Trang, Hậu Giang đang thực hiện việc chi trả trợ cấp hằng tháng cho 6.529 người có công với cách mạng và thân nhân của liệt sĩ, kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng trên 12 tỷ đồng; 100% người có công với cách mạng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; 98,7% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Công tác chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm thực hiện, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng tại địa phương nơi cư trú.
Đến nay, toàn tỉnh có 35.754 người có công với cách mạng; trong đó hơn 12.500 liệt sĩ; 5.740 thương binh; đặc biệt, cả tỉnh có 2.027 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện nay còn sống 57 Mẹ và các Mẹ đều được các tổ chức, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Thời gian qua, tỉnh quan tâm xây dựng, sửa chữa hàng ngàn căn nhà tình nghĩa. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện thường xuyên. Chế độ trợ cấp, bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân được triển khai đầy đủ, kịp thời.
Tỉnh thường xuyên tổ chức thăm hỏi người có công với cách mạng nhân các dịp lễ, tết; thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm cho con em người có công; hỗ trợ người có công vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tỉnh đã thành lập đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN thăm, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên (còn sống, sức khỏe yếu, không về dự buổi họp mặt người có công cấp tỉnh); hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Các đoàn công tác cũng đã tới thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng đang điều trị bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh; viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Tổ chức họp mặt người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ gắn với Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trao tặng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đoàn đại biểu người có công Hậu Giang thăm Bộ Quốc phòng (tháng 8/2022)
Tổ chức đoàn người có công với cách mạng tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tại thủ đô Hà Nội; tổ chức đoàn thân nhân liệt sĩ dự lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tại tỉnh Nghệ An.
Dịp này, 22.767 người có công với cách mạng đã được nhận quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh, với số tiền là trên 7,2 tỷ đồng; 246 người có công với cách mạng đang điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh được thăm hỏi và tặng quà với số tiền 123 triệu đồng. Tại buổi Lễ tuyên dương, khen thưởng cấp nhà nước, họp mặt người có công với cách mạng, tỉnh đã trao tặng 310 phần quà với số tiền 310 triệu đồng.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền 2,25 tỷ đồng. Trong đó có 500 phần quà, quy ra tiền 250 triệu đồng; Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ tặng quà cho 57 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống (mức quà 5.000.000 đồng/Mẹ); hỗ trợ 47 trường hợp là thương, bệnh binh từ 81% trở lên (mức quà 15.000.000 đồng/người).
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác thương binh liệt sỹ và chính sách người có công thời gian tới, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hậu Giang nhấn mạnh sẽ thường xuyên chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về truyền thống yêu nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và vận động nhân dân thực hiện đầy đủ, đúng đắn các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi khác; phát động sâu rộng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc người có công với phương châm "Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu"; qua đó tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thương binh, bệnh binh, người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội./.
Nguyễn Thìn
Từ khóa: